TinBai
Minimize
Phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2012 - 2017: Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Nha Trang tổ chức và vận động Cựu chiến binh thực hiện nhiệm vụ 

ccbdhnt 12/11/2012 9:21:40 AM
Tham luận trình bày tại Đại hội CCB Nhà Trường nhiệm kỳ 2012 - 2017 (Đ/c Trần Văn Thuần Chi hội trưởng Chi hội 4 – Hội CCB Trường Đại học Nha Trang)

Kính thưa Chủ tịch đoàn !

Kính thưa các Quý Đại biểu !

Kính thưa Đại hội !

 Trước hết tôi nhất trí cao với báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội CCB do Chủ tịch Nguyễn Tiến Hóa trình bày trước Đại hội và cho phép tôi gửi đến các Đ/C đại biểu về dự Đại hội lần thứ II, Nhiệm kỳ 2012-2017 Hội CCB Trường Đại học Nha Trang lời chúc sức khoẻ, lời chào trân trọng nhất.

Dưới góc độ của một hội viên từ những ngày đầu thành lập, tôi xin trình bày một số ý nhỏ góp phần làm sáng tỏ thêm những nội dung trong Báo cáo chính trị.

 Kính thưa Đại hội

Như chúng ta đã biết: Hội CCB Trường Đại học Nha Trang ra đời trong bối cảnh chung của Khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gọi là Hội CCB 487 (Hội của chúng ta được thành lập theo tinh thần của chỉ thị số 487 ngày 03/7/1997 của Thủ trướng Chính phủ), tuổi của hội mới được 3 năm rưỡi, thật sự còn rất non trẻ so với tuổi của Hội CCB Việt Nam (23 năm-06/12/1989). Cũng giống như một số đơn vị khác trong Khối Đại học, Cao đẳng buổi đầu xây dựng tổ chức hội gặp không ít khó khăn. Khi mới thành lập Hội có 34 cán bộ, hội viên, số lượng này bằng với số lượng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Thật là một sự trùng hợp đầy lí thú. Chưa đầy 6 tháng sau khi thành lập Hội đã tuyên truyền, bồi dưỡng và kết nạp mới 44 Hội viên đạt được tỷ lệ  (129,4%).

Chúng ta cũng biết rõ đặc điểm về cựu quân nhân của Trường ta là: Các cựu quân nhân công tác ở nhiều bộ phận, môi trường khác nhau, sinh hoạt không tập trung; hàng năm chỉ có 1 buổi gặp mặt nhân ngày thành lập quân đội nhân dân việt Nam-ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12) nhưng thường không đầy đủ. Các cựu quân nhân tham gia nhiều chức vụ và nhiều công tác kiêm nhiệm, quá bận rộn; ít các mối liên hệ với các Hội CCB khác; một số không có nguyện vọng gia nhập hội, một số khá đông khác không biết thông tin về hội CCB. Một số lại cho rằng CCB thường đã cao tuổi, sức khỏe yếu nên không làm được nhiều nữa? Nhất là không làm được kinh tế … họ nói: “Hồi trẻ súng có đạn không bắn, bây giờ muốn bắn nhưng súng lại hết đạn” nên không muốn tham gia hội.

Một số quan điểm cho rằng: Hội CCB hay gây các “sự kiện”; Hoạt động Hội CCB có ích lợi cho đơn vị không ? Hay chỉ là lợi ít hại nhiều? Hội CCB sẽ phải hoạt động và chi phí, điều đó ảnh hưởng tới ngân sách của đơn vị.

Trước những khó khăn kể trên, Các CCB trong Ban Chấp hành và một số thành viên CCB đã tích cực chủ động tổ chức, vận động, tuyên truyền giải thích, thuyết phục xây dựng tổ chức và vận động thực hiện nhiệm vụ. Khai thác triệt để các yếu tố thuận lợi sẵn có, đó là:

Sự quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo sáng suốt của Hội cấp trên, trực tiếp là Hội CCB Tỉnh Khánh Hòa, có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy Nhà Trường, sự ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi của Ban Giám hiệu Trường Đại học Nha Trang.

Hội tiến hành tuyên truyền vận động toàn diện: Tại các buổi sinh hoạt, thông tin trực tiếp tới các cựu quân nhân, trên website Nhà trường, tuyên truyền vận động nhiều lần với nhiều hình thức, nói rõ tôn chỉ mục đích, nghĩa vụ và quyền lợi hội viên; Ban Chấp hành xác định rõ khó khăn, thuận lợi và xây dựng chiến lược, chiến thuật cụ thể trong công tác tổ chức và vận động. Trong khi tuyên truyền, Hội đã trả lời một số cựu quân nhân khi họ than rằng: “Hồi trẻ súng có đạn không bắn, bây giờ muốn bắn nhưng súng lại hết đạn”, xin đáp lại: “Hồi trẻ súng có đạn nhưng bắn thường không trúng, bây giờ súng ít đạn nên mục đích chủ yếu là phát hiện mục tiêu và ngắm trúng đích là quá tốt rồi, hãn hữu lắm mới bắn và đã bắn thì phải chắc trúng, thậm chí chỉ cần bật dây cung là chim đã rụng”. Quan điểm Hội CCB hay gây các “Sự kiện” chúng tôi cho rằng quá đúng, nhưng 2 chữ “Sự kiện” cần hiểu theo hướng tích cực, Khánh Hòa có sự kiện “Rusanka”, cả nước có sự kiện “Vinashin”; Hà Nội có sự kiện “Giáo xứ Thái Hà”, Hải Phòng có sự kiện “Tiên Lãng” … có rất nhiều vụ việc tiêu cực trong xã hội phải nhờ có sự phản biện mãnh liệt với tinh thần “Trung dũng”, “Uy phong” của CCB thì mới giải quyết được. Là cựu quân nhân, mang trong mình con tim nhịp đập của một thời trai trẻ một dòng máu đầy nhiệt huyết của “Anh bộ đội Cụ Hồ” đã từng chảy và chảy cho đến hôm nay, chẳng nhẽ chúng ta không còn muốn tự hào về đội ngũ về bản thân mà hành động mà cư xử như những chiến binh. Sự phát triển của Nhà trường giống như sức khỏe cơ thể con người, luôn cần được dự phòng và bảo vệ bằng thuốc đặc trị. Cơ thể người ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu nhiễm các vi sinh vật tiêu cực mà không có thuốc kháng sinh. Hội CCB chính là một loại kháng sinh phổ rộng có tác dụng phòng chống hiệu quả nhiều vi rút độc hại trong xã hội, điều đó thể hiện rõ nét ở khía cạnh năng lực và vị trí của các cựu quân nhân trong tổ chức bộ máy của Trường ta. Hiện nay Hội ta có 64 hội viên, hội viên là đảng viên 32/64 (= 50%), hội viên giữ chức vụ lãnh đạo trong các đơn vị hành chính là 21/64 (= 32,8%) hầu hết các hội viên đều có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng; có điều kiện tiếp cận sớm nhất và nghiên cứu sâu các NQ, chỉ thị của TW, Tỉnh uỷ, Đảng uỷ, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác và có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

- Có nhiều mối liên hệ với các tổ chức giáo dục đào tạo, đó là các Trường: Đại Thái Bình Dương, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Dự bị Nha Trang, Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang; Học viện Hải quân, Sỹ quan chỉ huy kỷ thuật Thông tin. Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, viện nghiên cứu biển Nha Trang; nhiều ban ngành, tổ chức, Đoàn thể; Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Đây là môi trường quan hệ rất to lớn về phương diện chuyên môn giáo dục đào tạo và nghiên cứu, chúng tôi hy vọng Hội CCB Đại học Nha Trang ngày càng phát triển các quan hệ hợp tác với các đơn vị bạn trên tinh thần cùng chung mầu áo lính trên mặt trận Giáo dục Đào tạo, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của Nhà trường.

Kính thưa Quý vị đại biểu, kính thưa Đại hội

Thành tích không nhiều, kết quả chưa đặc sắc, với những nỗ lực của Hội, với những đặc điểm bối cảnh chung của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Tỉnh Khánh Hòa, với những đặc điểm riêng của một nhà trường Đại học, nhiệm kỳ qua, trong các nhiệm vụ triển khai, Hội chúng ta đã có các hoạt động ghi đậm dấu ấn của “Anh bộ đội Cụ Hồ” đó là:

Ngày 22/12/2009 Hội Cựu chiến binh Trường phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng,  Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa tổ chức buổi giao lưu văn nghệ, kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 20 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân và nhất là cuộc trao đổi của ba nhân chứng lịch sử (Chỉ huy trưởng BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa, Chủ tich Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Nha Trang) đã cung cấp cho khán thỉnh giả đặc biệt là HSSV nhiều sự kiện, nhiều chiến tích đầy oai hùng của cha ông để rồi sau đó có một SV đã bày tỏ cảm xúc bằng lời:

“Nếu ba mẹ cho chúng cháu một hình hài, thầy cô cho chúng cháu những hành trang tri thức thì các cô, các bác đã cho chúng cháu niềm tự hào thiêng liêng về một dân tộc Việt Nam bất khuất, kiên cường. Để từ đó, chúng cháu được trưởng thành hơn cả về mặt trí tuệ, đạo đức và lý tưởng cách mạng cao đẹp”.

Ngày 15/12/2010 Hội đã tổ chức cho 15 hội viên, thăm lại chiến trường xưa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và các hoạt động hướng về cội nguồn: Đó là cuộc hành trình về dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại nghĩa trang Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị: Nghĩa trang Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của trên 10.300 các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa lớn, thể hiện sự tôn vinh và lòng biết ơn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước. Được nghe thuyết minh về lịch sử hình thành nghĩa trang Trường Sơn, toàn Đoàn càng hiểu rõ hơn công trình này không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Nghĩa trang Trường Sơn không đơn thuần là nơi các gia đình liệt sĩ, các đoàn đại biểu đến thăm viếng khói nhang theo truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc mà còn là điểm đến hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế. Đoàn đã đặt vòng hoa, dâng hương và kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đoàn cũng đã đi khắp nghĩa trang thắp hương các phần mộ liệt sĩ của 10 khu vực chính, đặc biệt là khu vực mộ các liệt sĩ chưa biết tên.

Điểm đến thứ hai của đoàn là Thành Cổ Quảng Trị. Thành cổ Quảng Trị được coi như "Người lính đi đầu" trong chiến dịch Xuân - Hè 1972. Nơi đây, trên một diện tích chưa đầy 4 km2 đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom, 1.230.328 viên đạn pháo các loại và hơn 2.000 lượt máy bay oanh kích với sức công phá tổng cộng gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Số quân Mỹ - Ngụy ở Quảng Trị vào thời điểm cao nhất gấp 3 lần số dân của tỉnh. Cả một thị xã sầm uất đã thành đống tro tàn "không còn một viên gạch nào dính được vào nhau". Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau thì còn đó. Tội ác mà kẻ địch gây ra trong cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành Cổ quả là đã vượt quá sức tưởng tượng và sự chịu đựng của con người. Điều này, không những được cả thế giới biết đến mà còn làm chấn động dư luận và lương tri nhân loại. Trong 81 ngày đêm giữ đất, giữ thành, giữ niềm tin, 18.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Giờ đây, bên dưới lớp cỏ non xanh tươi hay trong dòng nước ngọt có ai dám chắc rằng sẽ không còn máu xương của đồng bào, đồng chí ta? Một nhà báo đã viết: Quảng Trị có hàng chục nghĩa trang, trong đó có hai nghĩa trang quốc gia là nghĩa trang Trường Sơn và Đường 9; và còn có hai nghĩa trang không bia mộ là Thành cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn. Ngày đó, hàng vạn người lính bơi qua sông Thạch Hãn vào Thành cổ và nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại với dòng sông, để rồi cựu chiến binh Lê Bá Dương ngày hòa bình trở về chất đầy một thuyền hoa huệ trắng thả xuống sông viếng bạn bè, và từ tim anh, những câu thơ yêu thương ứa máu dành cho đồng đội:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ,

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm,

Có tuổi hai mươi thành sóng nước,

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”.

Thông qua lời thuyết minh đầy xúc động của anh hướng dẫn viên, nhiều cựu chiến binh trong đoàn đã không cầm nổi dòng nước mắt. Cũng như mọi người dân Việt Nam nói chung, trong đó có chúng tôi, quá hiểu rằng, đó là một phần trầm tích sâu dày của quê hương. Toàn đoàn đã dâng hương tại đài tưởng niệm, thăm bảo tàng Thành Cổ và ra về trong nỗi trầm tư: Phải làm sao đây để mỗi chúng ta mãi mãi xứng đáng với lớp lớp cha anh đi trước?

Ngoài các điểm đến đầy xúc động nói trên, đoàn còn đi qua nhiều đoạn đường Đông Trường Sơn và những điểm nhấn thời kháng chiến chống Mỹ ác liệt vẫn còn vang mãi: Bến phà Long Đại, bến phà Xuân Sơn, đường 20 Quyết thắng, cầu Hiền Lương, Ngã ba Đồng Lộc nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình để nối liền mạnh giao thông cho đoàn xe tiếp vận ra tiền tuyến … Đoàn cũng kết hợp tham quan du lịch động Thiên Đường, động đẹp nhất trong quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, di sản văn hóa của thế giới. Chùa Bái Đính-Ninh Bình ngôi chùa đầy linh thiêng, nơi đây Đinh Bộ Lĩnh đã phất cờ lau khởi nghĩa. Điểm qua hành trình của đoàn trong một thời gian rất ngắn (5 ngày 4 đêm) để khẳng định một điều “Chỉ có ý chí và quyết tâm của người lính đã được tôi luyện thì mới tổ chức được một chuyến đi thành công như vậy”.

Với tinh thần đó chúng tôi đề nghị bổ sung thêm vào phần phương hướng: Hội Cựu Chiến binh Trường Đại học Nha Trang chủ động đề xuất làm việc với Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên Trường ngăn chặn tình trạng tệ nạn xã hội, văn hoá phẩm đồi truỵ, trộm cắp, gây rối bạo lực học đường…đang thường xuyên rình rập để tìm cơ hội len lỏi vào Trường ta. Tổ chức ký kết liên tịch với Đoàn thanh niên theo tinh thần Nghị quyết 7 của Trung ương Hội, Hội đứng ra bảo trợ Đội bảo vệ văn minh học đường và tổ chức nâng đỡ hậu thuẫn để đội này hoạt động  hiệu quả. Xây dựng quỹ, định kỳ hàng năm, Hội Cựu chiến binh trao các suất học bổng cho sinh viên là con em cựu chiến binh, sinh viên thuộc gia đình chính sách, sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

            Cuối cùng Chúng tôi xin kính chúc các Quý đại biểu sức khỏe-hạnh phúc –thành đạt, Chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp.

            Chân thành cảm ơn.


Các tin cùng thể loại
+ Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020)
+ Hướng dẫn số 97/HD-CCB, ngày 18/01/2021 của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam
+ Đoàn kết - nhân tố tạo nên sức mạnh của Quân đội ta
+ Hội CCB Trường ĐH Nha Trang: Tặng quà Tết cho hộ gia đình CCB nghèo tại huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa
+ NHỮNG MỐC SON CHÓI LỌI TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG 90 NĂM VINH QUANG CỦA ĐẢNG
+ Hội viên Cựu chiến binh Trường Đại học Nha Trang tích cực tham gia các hoạt động để phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của Nhà Trường trong năm học 2012 - 2013
+ Phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2012 - 2017
+ Hội viên cựu chiến binh Trường Đại học Nha Trang tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của Nhà trường
+ Phương hướng công tác Hội nhiệm kỳ 2017 - 2022
+ Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nền tảng nhân lực để đào tạo trực tuyến hiệu quả
+ Phát huy truyền thống và phẩm chất của người lính, mỗi hội viên cựu chiến binh Nhà trường tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Nha Trang lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022-2027