Nội dung
Đóng
Kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/05 

Khoa Công nghệ Thông tin 19/05/2014 6:15:45 CH
'Tiền quan trọng nhưng không phải là nhất'. Đồng tiền quan trọng nhưng chưa chắc đã là nhất, điều quan trọng hơn với các nhà khoa học là được bố trí ở chỗ làm việc phù hợp và văn minh, được tự chủ trong công tác, nhà khoa học vừa giành giải thưởng danh giá bậc nhất Việt Nam chia sẻ.

Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng, một trong hai nhà khoa học vừa nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu của Bộ Khoa học và Công nghệ, đã có bài phát biểu tại buổi giao lưu cùng với Bộ trưởng Nguyễn Quân và khoảng 300 nhà khoa học ngày 17/5


Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng đang làm việc tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội

Trong buổi giao lưu, chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của giới khoa học liên quan đến chính sách ưu đãi trọng dụng, cách tháo gỡ cơ chế quản lý rườm rà, hành chính để từ đó thu hút giới khoa học nước ngoài về làm việc trong nước.

Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng gợi mở câu chuyện bằng sự khác biệt trong điều kiện nghiên cứu của giới trẻ ngày nay với thế hệ của ông 35 năm trước. Thời giáo sư Hưng, cuộc sống rất khó khăn nhưng tâm thế của xã hội lại thanh thản; con người cũng không phải bằng mọi giá đạt được giàu có. Lúc đó, sau khi tốt nghiệp đại học, nếu sinh viên được giữ lại làm giảng viên của trường là vinh dự không ai từ chối; nhưng hiện số người từ chối ở lại trường làm giảng viên khá nhiều. "Điều này chứng tỏ đãi ngộ cho nhà khoa học không duy trì nổi cuộc sống của họ và gia đình", giáo sư Hưng nói.

"Ra trường lương chỉ được hơn 2 triệu đồng, tiến sĩ cũng chỉ hơn 3 triệu đồng. Nếu như không có nhà do bố mẹ để lại thì không biết họ sẽ cư trú ở đâu.

Trong khi các quốc gia bên cạnh, đầu tư cho khoa học của họ đã gấp hàng trăm lần Việt Nam. Chúng ta vỗ ngực đi theo chủ nghĩa duy vật song đầu tư ít mà lại yêu cầu kết quả cao, thì đó là duy tâm", giáo sư chuyên toán nhận định.

Theo ông, muốn lôi kéo được những nhà khoa học trẻ thì chế độ cần phải thay đổi sớm. "Đồng tiền quan trọng nhưng chưa chắc đã là nhất, điều quan trọng hơn với các nhà khoa học là được bố trí chỗ làm việc phù hợp và văn minh, được làm chủ trên lĩnh vực mà họ công tác. Nhưng nhiều nhà khoa học hiện cảm thấy họ là những kẻ làm thuê", giáo sư Hưng nói.

Cũng trong buổi tọa đàm, một nhà khoa học ở Viện Toán cho rằng, khoa học chỉ phát triển khi Việt Nam có thể tạo ra tương lai tốt cho các nhà khoa học như tạo điều kiện về cơ chế, quan tâm đến vấn đề nhà ở của họ. "Hiện có chính sách xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân. Tại sao không xây dựng cho cán bộ ở các viện?", người này đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ khó khăn với các nhà khoa học khi họ không có chế độ đãi ngộ đặc biệt nào. "Những người làm nghiên cứu chỉ được hưởng chế độ như viên chức bình thường, thậm chí còn không được như giáo viên hay bác sĩ, vì các ngành này còn có phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên", Bộ trưởng Quân nói.

Để khắc phục khó khăn trên, Bộ trưởng Quân cho biết, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã thống nhất cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà khoa học, và được quy định rõ trong Luật Khoa học công nghệ sửa đổi. Trong đó, việc ưu đãi tập trung vào ba nhóm đối tượng là nhà khoa học đầu ngành, nhóm khoa học được nhà nước giao chủ trì các chương trình trọng điểm quốc gia về khoa học công nghệ và những nhà khoa học trẻ có tài năng, dưới 35 tuổi có công trình, sáng chế được đánh giá cao.

Về chính sách nhà ở, theo Bộ trưởng Quân, vấn đề này trong quá khứ nhà nước đã làm tương đối tốt. Trước những năm 1980, Việt Nam đã hình thành khu tập thể của các viện, trường. Nhưng khi chuyển sang cơ chế thị trường, Việt Nam có những hạn chế nhất định. "Chúng tôi ghi nhận và kiến nghị với Chính phủ trong thời gian tới để có thể thực hiện", ông Quân nói. Không coi nhẹ khoa học cơ bản

Trước câu hỏi Việt Nam có nên đầu tư cho khoa học cơ bản hay không, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: "Việt Nam không thể thiên vị lĩnh vực khoa học công nghệ nào, bởi khoa học cơ bản Việt Nam có thế mạnh trong khu vực và thế giới, thậm chí còn có ưu thế hơn các lĩnh vực khoa học khác, vì vậy Bộ sẽ tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu cơ bản".

Người đứng đầu ngành khoa học công nghệ dẫn chứng, Chính phủ đã có chương trình quốc gia về nghiên cứu toán và thành lập Viện nghiên cứu Toán. Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Khoa học xây dựng chương trình phát triển quốc gia ngành vật lý. Các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản khác trong khoa học tự nhiên và các lĩnh vực do Quỹ khoa học phát triển quốc gia tài trợ cũng được tăng cường trong thời gian qua. Quỹ này chủ yếu tài trợ cho nghiên cứu cơ bản với vốn điều lệ hàng năm 200 tỷ đồng, và gần đây do nghiên cứu cơ bản đã có thành tựu đáng kể nên Bộ có đề xuất Thủ tưởng nâng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng.

"Rõ ràng nghiên cứu cơ bản hoàn toàn bình đẳng so với nghiên cứu khoa học khác", Bộ trưởng Nguyễn Quân nói. Ông nhận xét thêm rằng giải thưởng Tạ Quang Bửu kèm 200 triệu đồng cũng đã cho thấy phần nào mức độ quan tâm của nhà nước đối với nghiên cứu khoa học cơ bản.

Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng cũng đề cao vai trò của khoa học cơ bản. "Khoa học giống như nhạc giao hưởng vậy. Một quốc gia có thể thành công ở nhiều lĩnh vực nhưng để đạt đỉnh cao thế giới thì không thể không có thành tựu ở lĩnh vực âm nhạc bác học", vị giáo sư cho hay.

Theo giáo sư Hưng, nếu không có nghiên cứu cơ bản thì Việt Nam mãi là người đi sau, thế hệ sau sẽ là những người đi làm thuê. Vì vậy, muốn tự cường và xác lập vị trí thì khoa học cơ bản là chủ đạo. "Không có nghiên cứu cơ bản thì không thể là quốc gia hàng đầu, và đất nước chỉ có những người làm công cho tư bản", giáo sư Hưng nhấn mạnh.

Hoàng Thùy - Phạm Hương

Các tin cùng thể loại
+ LỢI ÍCH ĐẦU TƯ TỪ ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN
+ 6 công việc CNTT sẽ được trả hậu hĩnh trong năm 2012
+ Nhu cầu nguồn nhân lực Công nghệ thông tin tăng cao
+ Hiện tượng trò chơi di động “Flappy Birds”
+ Nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT rất cao trong năm 2015
+ Ngôn ngữ lập trình bắt đầu cho người mới học (nguồn Techmaster)