TinBai
Minimize
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ V 

Lê Hoài Nam 4/9/2018 10:54:30 AM
Sáng 22/9, Hội Khuyến học Việt Nam long trọng tổ chức ĐH đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ V (2016 - 2021). Đại hội V đánh dấu đoạn đường 20 năm đã đi qua của Hội Khuyến học Việt Nam với nhiều thành tựu đáng nể.

 Tới dự Đại hội có Ủy viên TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên TƯ Đảng, Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ; Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường và nhiều lãnh đạo ở các cơ quan, ban ngành TƯ tới dự, và đặc biệt có gần 500 đại biểu Hội Khuyến học các tỉnh, thành về dự.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt... đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tới dự đại hội (Ảnh: Hữu Nghị)

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm cho biết: "Đại hội V diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển của Hội Khuyến học. 20 năm qua Hội đã trải qua 4 kỳ Đại hội. Mỗi Đại hội đánh dấu một bước tiến, một bước trưởng thành của Hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Hội Khuyến học Việt Nam được tổ chức trọng thể vào thời điểm có nhiều ý nghĩa rất quan trọng: Năm đầu tiên toàn Đảng, toàn dân thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại; kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...

Cách đây 20 năm Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập vào lúc trên thế giới tri thức nhân loại phát triển vượt bậc, khoa học công nghệ giành được những thành tựu cực kỳ quan trọng, biến ước mơ thành hiện thực và không ngừng phát triển. Nhiều nước trên thế giới đã chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức.

Ở trong nước, thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra cuối năm 1986 mà bước đầu tiên là đổi mới về kinh tế đạt được thành tựu quan trọng. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII) đưa ra ý tưởng và Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996) quyết định chuyển sang giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu tại đại hội (ảnh: Hữu Nghị)

Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định: "Hội Khuyến học ra đời với nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển nhân tài phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Thực hiện nhiệm vụ đó 20 năm qua được sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự quản lý và chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, sự hợp tác của Bộ, Ban, Ngành, các Hội có liên quan, Hội đã được những thành tích nổi bật: Có mặt ở hầu hết địa bàn dân cư trong cả nước với gần 15 triệu hội viên chiếm hơn 15% dân số, động viên nhân dân tham gia học tập ngày càng đông.

Đại hội V của Hội sẽ ghi nhận những kết quả đã đạt được không chỉ trong nhiệm kỳ vừa qua (2010 - 2016) mà cả 20 năm tồn tại để chuyển sang một giai đoạn mới: Giai đoạn thực hiện Chủ trương học tập suốt đời, giai đoạn xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” để xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, như Đảng và Nhà nước chủ trương.

Chủ tịch Cầm mong rằng, Đại hội: “Đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Báo cáo hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ IV, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, Đại hội V đánh dấu đoạn đường 20 năm đã đi qua, kết thúc 5 năm hoàn thiện mô hình xã hội học tập qua những nghiên cứu lý luận và thực tiễn trên 63 tỉnh, thành trong cả nước. Vì vậy, tại Đại hội sẽ đề cập tới 2 vấn đề cơ bản là kiểm điểm công tác khuyến học, khuyến tài 5 năm (2010 - 2015) theo Nghị quyết Đại hội lần thứ IV và Nghị quyết của các Hội nghị BCH Trung ương Hội khóa IV; Đánh giá 20 năm xây dựng và phát triển Hội (1996 - 2016).

Xây dựng phương hướng và những nhiệm vụ khuyến học cho toàn khóa V, và bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Các đại biểu tham dự Đại hội (ảnh Hữu Nghị)

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, trong nhiệm kỳ IV, các tổ chức Hội đã hoạt động trên hầu khắp địa bàn hành chính cấp xã, tăng số lượng hội viên trên 16% so với dân số, tăng số tiền trong các quỹ trên 2000 tỷ đồng, phủ gần kín Trung tâm Học tập cộng đồng trên các xã/phường/thị trấn… Phong trào khuyến học, khuyến tài đã tạo ra một vị thế của Hội Khuyến học trong xã hội.

Chủ trương của Hội là xây dựng và phát triển xã hội học tập từ cơ sở, do đó, Hội cần phải có lực lượng của mình để làm nòng cốt trong cuộc vận động xây dựng xã hội học tập từ xã, phường, thị trấn và thúc đẩy người dân học tập trong từng bản làng, phum sóc, tổ dân phố.

Năm 2010, tất cả các tỉnh và thành phố cũng như các quận, huyện, thị xã đã có các tổ chức của Hội. Tại cấp xã, gần 99% xã, phường, thị trấn đã có tổ chức Hội cơ sở. Cuối năm 2016, đã có tới 99,23% cấp xã có Hội cơ sở. Có thể coi như tổ chức của Hội đã có mặt gần như đầy đủ ở cấp xã.

Tại các thôn, bản, tổ dân phố, phum sóc..., Hội đã vận động tổ chức các Chi hội. Hiện cả nước có 142.661 Chi hội.

Tại các đoàn thể, các đơn vị công an hoặc quân đội, nhà thờ, nhà chùa… Hội tổ chức những Ban khuyến học. Cuối năm 2015, cả nước có 115.719 Ban khuyến học.

Đến nay, 10 Tỉnh, Thành Hội đã có số chi hội khuyến học nhiều nhất là: TP. Hồ Chí Minh (23.169); Nghệ An (6.320); Thanh Hóa (6.224); Hà Nội (6.184); Nam Định (4.547); Ninh Bình (3.467); Phú Thọ (3.278); Sơn La (3.227); Hải Dương (3.196); Thái Nguyên (3.088).

10 địa phương có tổng số Ban Khuyến học lớn nhất là: Hải Dương (13.266); Thanh Hóa (10.920); Nghệ An (9.436); Nam Định (8.009); Tây Ninh (7.916); Quảng Nam (7.551); Hòa Bình (7.115); Hà Tĩnh (5.005); Bắc Ninh (3.324); Hà Nội (3.042).

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học cho hay, Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2006 - 2010) đã ra Nghị quyết đưa tỷ lệ hội viên/dân số là 10%, đồng thời phải nâng cao năng lực hoạt động của những hội viên trong cuộc vận động xây dựng xã hội học tập. Vào thời điểm đó, số hội viên của hội đã là 7.500.000 người, đạt tỷ lệ 8,4% dân số. Đến nay, vào cuối năm 2015, số hội viên đã lên tới 14.772.448 người, đạt tỷ lệ so với dân số là 16,05%.

Nhiều Tỉnh, Thành Hội đã phát triển khá mạnh về số lượng hội viên. Tại những địa phương đó, tỷ lệ hội viên/dân số đã vượt quá 25%: Tây Ninh (35,5%); Quảng Ninh (31,1%); Ninh Bình (28,9%); Quảng Trị (27,6%); Thái Bình (26,4%); Phú Thọ (26,0%); Bắc Ninh (25,8%); Quảng Bình (25,8%); Điện Biên (25,6%); Long An (25,5%); Hà Tĩnh (25,2%).

Đại biểu Lê Thị Hậu (áo hồng) - dân tộc Mường, Chủ tịch hội khuyến học Ngọc Lặc tỉnh Thanh Hoá, tham dự đại hội (Ảnh: Hữu Nghị)

GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh: "Các cuộc vận động khuyến học, khuyến tài đã góp một phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại các cộng đồng dân cư, giác ngộ người lao động về lợi ích và nghĩa vụ học tập suốt đời, nâng cao nhận thức cho nhân dân đối với việc học tập thường xuyên theo gương học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học.

Phong trào khuyến học đã thực sự trở thành phong trào rộng rãi trên khắp địa bàn dân cư trong cả nước, Hội Khuyến học đã phát huy được vai trò nòng cốt trong cuộc vận động nhân dân học tập theo tinh thần xã hội hóa giáo dục và đào tạo mà Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng".

Theo GS Phạm Tất Dong, thời gian qua, Hội đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng 11.034 Trung tâm Học tập cộng đồng một thiết chế giáo dục rất cơ bản dành cho đối tượng chính là người lớn, một điều kiện không thể thiếu được để người dân trong cộng đồng tìm được cơ hội học tập thường xuyên cho mình.

Nhân tài Đất Việt là Giải thưởng Khuyến tài có tiếng vang lên – một giải thưởng mang tính xã hội cao nhất và lớn nhất về công nghệ thông tin ở Việt Nam. Việc tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt hàng năm đã được sự quan tâm, ưu ái của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hệ thống báo chí, thông tin và truyền thông của Trung ương Hội và Hội địa phương đã phát triển nhanh và đều khắp. Trung ương Hội có báo in, báo điện tử, hòm thư điện tử, đặc biệt là Báo Dân trí điện tử (Dantri.com.vn) đã phát triển trên 10 năm, với số lượng bạn đọc hàng ngày rất cao, hiện đã lên tới 24 triệu lượt người truy cập/ngày. Trên thế giới đã có 173 nước có người theo dõi tờ báo này...

GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (Ảnh: Hữu Nghị)

GS Dong khẳng định: "Hội Khuyến học Việt Nam đã trở thành Hội có tính đặc thù, hoạt động trong phạm vi cả nước. Hội đã xác lập được vị thế của mình bằng những hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hội hoạt động không có mục đích tự thân, mà vì sự nghiệp chấn hưng giáo dục, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước nhà".

Tuy nhiên, GS Phạm Tất Dong cho rằng, một trong những khó khăn mà Hội gặp phải trong nhiều năm qua là một số lĩnh vực hoạt động để phát triển hệ thống giáo dục người lớn và xây dựng xã hội học tập còn thiếu những chính sách quản lý và phát triển tương ứng.

Trong những năm qua, ở nơi này hay nơi khác, lúc này hay lúc khác, cấp ủy Đảng vẫn chưa thể hiện được chính kiến của Đảng trong chỉ đạo các Bộ, Ban, Ngành đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo như trong cơ cấu hệ thống giáo dục hiện không có hệ thống giáo dục người lớn, trong chiến lược giáo dục chỉ nặng nề về giáo dục phổ thông và giáo dục chính quy, trong phân phối nguồn lực cho giáo dục còn thiếu phần đầu tư nâng caochất lượng nhân lực tại chỗ qua giáo dục không chính quy, mà chỉ nói đến nguồn nhân lực.

Hệ thống tổ chức của Hội rất đa dạng, hội viên của Hội ngày càng đông, quy mô hoạt động của Hội ngày càng mở rộng, nhưng biên chế của các Văn phòng Hội các cấp rất hạn hẹp. Do vậy, công tác chỉ đạo, quản lý, đối ngoại, thông tin – tuyên truyền. … của các cấp Hội đều rất khó khăn.

"Mấy khó khăn trên là cơ bản, lặp đi lặp lại trong suốt 20 năm qua và trong giai đoạn 2010 – 2015, những khó khăn ấy vẫn chưa có được giải pháp nào khắc phục" GS Dong nhấn mạnh.

 

Tại Đại hội, TƯ Hội Khuyến học đã tặng cờ Thi đua xuất sắc cho 37 đơn vị, trong đó 28 tỉnh, thành Hội khuyến học, 8 đơn vị TƯ trực thuộc và 01 Ban chuyên môn cơ quan TƯ Hội đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn (1996 – 2016).

Tặng bằng khen xuất sắc của TƯ Hội Khuyến học VN cho 27 đơn vị gồm: 10 tỉnh, thành Hội Khuyến học, 05 đơn vị Trung tam trực thuộc TƯ Hội và 4 doanh nghiệp đã có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn (1996 – 2016).

Tặng Bằng khen của TƯ Hội Khuyến học trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập giai đoạn (1996 - 2016)Việt Nam cho 17 tỉnh, thành, Hội Khuyến học, đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập giai đoạn (1996 - 2016).

Đại hội Hội Khuyến học Việt Nam khóa V đã bầu ra 104 đại biểu vào Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam khóa V.

Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam đã thống nhất bầu nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, GS.TS Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V.

Đại hội đã suy tôn ông Nguyễn Mạnh Cầm - nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa III, IV làm Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam khóa V.

Phát biểu chia tay Hội Khuyến học tại đại hội, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm đã bày tỏ tình cảm sâu sắc của mình cùng sự kỳ vọng vào tất cả những người làm công tác giáo dục khuyến học - “Trong cuộc đời mình, tôi tham gia công tác được trên 70 năm; trong đó, công tác khuyến học tôi được làm 11 năm. Tôi đã luôn nhận được sự giúp đỡ của đồng chí lãnh đạo đi trước, nhiều sự hợp tác của các đồng chí trong BCH khóa 3, khóa 4 và tất cả các cán bộ nhân viên, hội viên chúng ta.

Tôi còn nhớ, một chủ trương khuyến học trên đưa ra, khi đưa xuống địa phương đã có rất nhiều sáng kiến, sáng tạo vượt khó và triển khai thành công. Trong lòng tôi luôn nhớ 2 điều: Hoàn cảnh vật chất của Hội rất nghèo nàn, khó khăn từ ban đầu; dù bây giờ đỡ hơn nhưng vẫn khó khăn. Do đó, tâm huyết của tất cả những người tham gia khuyến học khiến tôi rất xúc động. Tôi cho rằng, cùng với những sáng kiến, sáng tạo thì quan trọng nhất là cái tâm và trái tim của người làm công tác khuyến học. Chính cái tâm đó quyết định phần nhiều kết quả công tác khuyến học”.

Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm xúc động chia sẻ, các đồng chí có mặt hôm nay đã đại diện cho 15 triệu hội viên của chúng ta trên toàn quốc. Tôi bày tỏ sự biết ơn mọi người có mặt tại đây đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và tất cả những người làm công tác khuyến học mà tôi chưa được gặp một lần. Trái tim tôi luôn có một phần trong Hội khuyến học, chúc tất cả các đồng chí đại biểu sức khỏe, gia đình hạnh phúc và tiếp tục đưa công việc của hội phát triển.

 

Tại Đại hội, Hội Khuyến học Việt Nam đã đưa ra những nhiệm vụ cơ bản của toàn Hội trong giai đoạn 2016 – 2021 với 10 điểm cần nhấn mạnh là: Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng trên cơ sở phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc và những kinh nghiệm rút ra được của 15 năm xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học; Tổ chức triển khai Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT về xây dựng mô hình cộng đồng học tập cấp xã trên cơ sở chỉ đạo điểm chặt chẽ nhằm có được sự đa dạng và thích hợp với những đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa bàn xã, phường, thị trấn trong cả nước.

Triển khai thí điểm Đề án “Dạy nghề cho người lao động ở nông thôn tại Trung tâm Học tập cộng đồng” theo Quyết định 971/QĐ-TTg trong năm 2016 để mở rộng diện thực hiện Đề án này đến năm 2021; Củng cố và năng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của các Trung tâm Học tập cộng đồng

Tiếp tục phát triển các tổ chức Hội và hội viên, nâng cao năng lực công tác của cán bộ Hội các cấp và năng lực hoạt động của hội viên

Phát triển đa dạng các hình thức quỹ khuyến học, tạo nhiều học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, phần thưởng cho các em có thành tích xuất sắc, hỗ trợ những thanh niên nghèo thêm điều kiện để học nghề

Phát huy vai trò nòng cốt của Hội theo Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị, Hội chủ động phối hợp hoạt động với các Bộ, Ngành đang triển khai các Đề án thành phần trong Quyết định 89/QĐ-TTg để tiến độ thực hiện các mô hình học tập được nhịp nhàng, đồng đều và hiệu quả cao.

Tăng cường sự hợp tác quốc tế, đặc biệt là với tổ chức UNESCO và các tổ chức nghiên cứu giáo dục người lớn của một số nước để mở rộng hệ thống thông tin, tuyên truyền và huấn luyện về những vấn đề xã hội học tập.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần ham học, ham làm, ham tiến bộ, gắn mục tiêu học tập với mục tiêu phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho bản thân và cho cộng đồng.

Tổ chức Đại hội biểu dương những điển hình trong phong trào thi đua xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và các xã/phường/thị trấn học tập lần thứ I.

Hồng Hạnh - Hữu Nghị

(Theo nguồn của TW Hội Khuyến học VN)


Các tin cùng thể loại
+ Ban Tuyên giáo Trung ương quán triệt nâng cao hiệu quả công tác khuyến học trong bối cảnh mới
+ Kỷ niệm 22 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam: Khuyến học, khuyến tài đưa đất nước đi lên
+ Xây dựng Công dân học tập, đơn vị học tập và xã hội học tập ở Việt Nam là con đường duy nhất đến với cách mạng 4.0
+ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Trường Đại học hãy là hình mẫu đầu tiên của học tập suốt đời”
+ Ra mắt Quỹ hỗ trợ tài năng cấp Quốc gia đầu tiên
+ Công văn về việc Tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời
+ Hội Khuyến học Việt Nam: Kế hoạch tuyên truyền năm 2012
+ Mẫu Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Quyết định 68/2010/QĐ-TTg và 1 năm thực hiện Quyết định 30/2010/QĐ-TTg
+ Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai làm việc tại tỉnh Phú Thọ
+ Vấn đề quán triệt đề án 'Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020'
+ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đại hội thi đua và biểu dương phong trào khuyến học toàn quốc lần thứ III năm 2013
+ Chủ tịch nước gửi thư thiếu nhi nhân kỷ niệm 50 năm phong trào 'Nghìn việc tốt'
+ Hội nghị Quán triệt Quyết định 281/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ
+ Vị Thủ tướng hết lòng vì công tác khuyến học