Nội dung tin tức
Minimize
Bước vào môi trường Đại học - Bạn cần gì? 

BM Thương mại 5/14/2012 11:34:40 AM
- Các bạn tân sinh viên thân mến. Chắc hẳn các bạn đang rất vui mừng pha lẫn sự hồi hộp khi cầm tấm giấy báo nhập học trên tay, cả sự tự hào về bản thân khi những cố gắng của mình đã đạt được những kết quả xứng đáng. Nhưng bên cạnh sự vui mừng đó trong đầu các bạn hẳn giờ đây hiện lên rất nhiều câu hỏi về môi trường học tập mới: Học đại học thì chắc là khác với phổ thông rồi, thế thì mình phải học như thế nào để có hiệu quả?

- Hiểu được tâm lý đó (lúc xưa chúng tôi cũng có những cảm xúc tương tự), chúng tôi -  sinh viên Đại học đi trước mong muốn chia sẻ với các tân sinh viên những kinh nghiệm ở giảng đường đại học để giúp các bạn hòa nhập nhanh hơn vào môi trường mới và có những thành công trong quá trình học tập:

1. Phải có 1 ước mơ rõ ràng và tốt đẹp để từ đó làm kim chỉ nam và động lực để bản thân cố gắng, dù có gặp khó khăn cũng không lùi bước và quyết tâm theo đuổi ước mơ đến cùng.

2. Học để hiểu được bản chất những vấn đề và vận dụng nó để giải quyết những vấn đề trong thực tế tốt hơn. Không nên xem trọng điểm số, thay vào đó là lượng kiến thức mình nhận được. Với sự trải nghiệm của các anh chị đi trước, các bạn nên nắm kỹ kiến thức đại cương nó sẽ là nền tảng cho các môn sau này.

Những bạn sinh viên học tập tốt ở môi trường đại học thì đều có 1 điểm chung là sự ham thích học hỏi, luôn tự đặt ra cho mình những câu hỏi trong quá trình học, vận dụng những kiến thức đã học để giải thích và trả lời nó. Nếu không tự trả lời được thì nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô (đừng ngại ngùng khi phải đứng trước lớp hỏi thầy cô một vẩn đề nào đó mình không hiểu). Các bạn luôn muốn làm chủ kiến thức mình đã học. Học để hiểu chứ không học đối phó.

3. Học đại học sẽ không còn được sự kèm cặp tận tình như các thầy cô cấp ba, các bạn nên ý thức được việc học của mình và thời gian tự học của các bạn là quan trọng nhất cho sự tích lũy kiến thức của bạn. Việc có một thời khóa biểu rõ ràng là rất cần thiết cho công việc tự học. Tập thói quen tuân thủ kế hoạch, một kỹ năng rất cần thiết cho các bạn, những người muốn thành công.

4. Học từ từ, tiếp thu chầm chậm qua từng tiết học (thật tập trung khi thầy giảng bài), về nhà liết lại một cái là nhớ liền. Đừng để “Nước đến chân mới nhảy” (nước lên nhanh lắm, chết đuối liền đó), nếu để đến gần thi mới học sẽ bị suy nhược cơ thể, học dồn, học nén gây tâm lý lo sợ, mất tự tin và không bình tĩnh khi làm bài thi. Các bạn nên phân ra các loại môn học rõ ràng:

+ Môn có nhiều bài tập thì dành thời gian cho nó hằng ngày hoặc hằng tuần để giải các dạng bài, từ đó tích lũy kĩ năng giải bài nhanh và chính xác (đừng lo lắng “vì sao mình giải chậm thế”, làm bài tập từ từ, sẽ lên cơ ngay thôi)

+ Những môn học bài thì đừng chăm chăm học thuộc, hiểu tự động sẽ nhớ, trình bày theo cách hiểu của mình (các thầy cô bậc đại học luôn đánh giá cao khả năng suy luận của các bạn).

5. Khi kì thi gần đến thì các bạn nên mua bộ đề thi những năm trước về giải vì những dạng bài tập sẽ ít thay đổi qua các năm. Soạn ra những kiến thức cần thiết cho mỗi môn học trước kì thi là rất hiệu quả trong việc hệ thống lại kiến thức, các bạn cũng nhờ đó mà thuộc bài và hiểu bài sâu hơn, vân dụng kiến thức linh hoạt khi làm bài.

6. Nên có cho mình 1 nhóm bạn học tập từ 4-5 bạn, nó sẽ giúp ích cho kĩ năng làm việc nhóm của bạn. những bạn trong nhóm mỗi người có 1 sở trường riêng sẽ giúp đỡ và hỗ trợ nhau trong học tập để cùng tiến bộ. Trên hết, có nhóm bạn cùng gắn bó với bạn chia sẻ cùng bạn sẽ làm cho thời sinh viên có nhiều kỉ niệm đẹp, vui tươi và trong sáng.

7. Các bạn không nên chỉ có học không mà còn nên tích cực tham gia các hoạt động của khoa, của trường, tham gia các câu lạc bộ, đội, nhóm trong trường để từ đó giao lưu với nhiều bạn, học hỏi kinh nghiệm của nhau và của các anh chị năm trên. Các đội, nhóm giúp bạn rèn luyện để trở thành 1 sinh viên năng động, hoạt bát và có đầu óc tổ chức cao. Những kỉ niệm vui tươi về thời sinh viên cũng nhờ đó mà thêm tràn đầy. Để tham gia vào các hoạt động các bạn nên chủ động tìm gặp những anh chị đứng đầu trong các hoạt động .

8. Năm nhất là năm khá thoải mái, có nhiều thời gian rảnh rỗi, các bạn nên đăng ký học thêm những môn mình thích (học thêm vi tính, học các môn nghệ thuật, học các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống…). Đừng bao giờ có tâm lý để sau này hẳn học (một tâm lý khá khờ dại). Ký túc xá thực sự là một môi trường lý tưởng cho các bạn rèn luyện những kỹ năng cần thiết.

 9. Đừng bao giờ để trong đầu mình xuất hiện tâm lý “vào đại học là đồng nghĩa với việc học cật lực đến tàn phai nhan sắc”. Thực tế các anh chị có phương pháp học tập tốt luôn cảm thấy thoải mái (các anh chị làm công tác đoàn hội, thời gian học của các anh chị rất ít, nhưng kết quả vẫn tốt như thường). Phương pháp học sẽ tự hình thành cho mỗi người trong quá trình học. Trên đây là phương pháp học được tổng hợp từ các anh chị đang hiện là top ten của khoa, các bạn tham khảo và hình thành từ từ cho chính mình.

10. Các bạn hằng tuần nên theo dõi xem các bảng thông báo ở khoa, trường, vào các trang web để cập nhật những thông tin về học tập cho bản thân, những cơ hội học bổng, du học, việc làm thêm sinh viên… và biết được những hoạt động đang diễn ra trong và ngoài trường.

Chào đón các tân sinh viên, chúc các bạn sẽ học tập thật tốt ở ngôi nhà chung này, sẽ rèn luyện mình thật tốt về cả tài và đức, thành công trong cuộc sống, góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước.

Và đừng quên chia sẻ những khó khăn và niềm vui của bạn với FM Sinh viên Khánh Hòa.

fmsinhvienkhanhhoa@gmail.com 

Các tin cùng thể loại
+ CÒN NHỚ HAY KHÔNG?
+ Tâm sự của một tân sinh viên
+ Học tập theo phương pháp P.O.W.E.R cho sinh viên đại học
+ 10 CÂU HỎI ĂN ĐIỂM CHO SV ĐI PHỎNG VẤN