Tin tức sự kiện
Minimize

Hội nghị khoa học Vì sự phát triển bền vững nghề cá

Ngày đăng: 01-10-2014 / Đăng bởi: Trần Thị Hà Trang
Gần 200 nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế tham dự hội nghị.

Ngày 29/9/2014, tại Hội trường số 1, Trường Đại học Nha Trang đã tổ chức Hội nghị khoa học Vì sự phát triển bền vững nghề cá. Đây là một trong những hoạt động thuộc chuỗi sự kiện nhân kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Trường Đại học Nha Trang (02/10/1959 - 02/10/2014). Tham dự Hội nghị có bà Ragnhild Dybdahl - Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi cùng đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Hiệu trưởng Vũ Văn Xứng khai mạc Hội nghị

Một số bài phát biểu quan trọng tại hội nghị: Định hướng mô hình phát triển bền vững đội tàu đánh cá; Ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá xa bờ; Ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản, chế biến thủy sản; Phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam; Chính sách tín dụng cho ngư dân phát triển kinh tế nghề cá; Đóng góp của khoa học công nghệ đối với sự phát triển nghề cá... Bên cạnh đó, các đại biểu còn thảo luận nhiều vấn đề xung quanh đến việc làm thế nào để phát triển bền vững nghề cá.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhận định: Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế biển, trong đó có phát triển nghề cá. Hàng năm, ngư dân Khánh Hòa có thể khai thác được 95.000 - 100.000 tấn thủy sản các loại; tuy nhiên, việc khai thác quá mức, với nhiều phương tiện khai thác hủy diệt đã khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, làm cho nghề cá phát triển không bền vững. Ông hy vọng tại hội nghị, các nhà khoa học sẽ đưa ra được những giải pháp hiệu quả để góp phần phát triển bền vững nghề cá Việt Nam.

Ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa
phát biểu tại Hội nghị

Theo PGS.TS Trần Gia Thái, để phát triển bền vững nghề cá và đội tàu đánh cá hiện nay, cần có cơ chế, chính sách để phát triển mạnh đội tàu cá vỏ composite và vỏ thép nhằm tiến tới loại bỏ dần nhóm tàu vỏ gỗ công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, bảo vệ nguồn lợi. Cần quan tâm tối ưu hóa mô hình đội “tàu mẹ” - “tàu con” phục vụ hiệu quả nghề cá của các địa phương - với tàu mẹ bằng thép, có kích thước lớn để làm dịch vụ hậu cần phục vụ đội tàu con bằng gỗ, composite. Tuy nhiên, cần phát triển đội tàu cá vỏ thép theo lộ trình phù hợp về quy mô, chính sách quản lý, cơ sở hạ tầng và phải quan tâm việc đào tạo nhân lực có trình độ để giám sát thiết kế, đóng mới, sửa chữa các loại tàu này. “Chủ trương của Nhà nước là hiện đại hóa và phát triển đội tàu cá xa bờ cỡ lớn là bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo trong bối cảnh hiện nay” - theo PGS.TS Trần Gia Thái.

     Với ưu điểm vượt trội của tàu composite, các chuyên gia cho rằng cần tập trung phát triển nhà máy đóng tàu đánh cá vỏ composite ở các địa phương ven biển; phát triển mô hình công ty cổ phần trong đó ngư dân góp vốn  50/50 để hình thành các tổ đội khai thác.

Báo cáo tham luận của PGS.TS Trần Gia Thái

Ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đồng tình với kiến nghị của các nhà khoa học, nhà quản lý về việc nghiên cứu những mẫu tàu cá hiện đại, phù hợp với tập tính và nhu cầu khai thác của ngư dân; nghiên cứu, điều tra sản lượng các loài thủy sản để quy hoạch số lượng các loại tàu cần đóng phù hợp theo từng nghề khai thác thủy sản. Ông cũng cho biết, trên cơ sở thành công của hội nghị do Trường Đại học Nha Trang tổ chức, Bộ sẽ nghiên cứu để tổ chức hội nghị cấp quốc gia từ năm 2015.



Ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản
phát biểu tại Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, Trường Đại học Nha Trang và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác trên một số lĩnh vực như: triển khai thiết kế các tàu đánh cá, tàu hậu cần nghề cá vỏ thép cho ngư dân các tỉnh khu vực Trung Bộ và Nam Bộ; hợp tác về hoạt động kỹ thuật; đào tạo nhân lực; trao đổi thông tin khoa học - công nghệ…

Ký kết thỏa thuận hợp tác với TCT Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam

Ảnh: Văn Hòa

Các tin cùng chuyên mục

Trường ĐH Nha Trang lọt Top 30 đại học xuất sắc tại Việt Nam ở bảng xếp hạng Webometrics

Tọa đàm trực tuyến “Quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm”

Cuộc thi “Tìm kiếm ngôi sao khởi nghiệp sáng tạo - EDTECH VIETNAM 2021”

Sinh viên Trường ĐH Nha Trang lọt Top 10 đội xuất sắc nhất cuộc thi ERPsim quốc tế

Xét tặng Giải thưởng Khoa học công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2021

Sinh viên Trường ĐH Nha Trang tham gia vòng Chung kết cuộc thi Quốc tế - 13th ERPsim International Competition

Trường ĐH Nha Trang là 1 trong 10 trường/viện có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản

Bộ Khoa học và Công nghệ ra mắt chuyên trang Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam

Tập huấn viết bài báo khoa học quốc tế