Tin tức sự kiện
Minimize

Hội thảo khoa học bệnh trên tôm nuôi và biện pháp phòng trị

Ngày đăng: 11-07-2017 / Đăng bởi: KhoaKHCT KhoaKHCT
Nhiều biện pháp phòng, trị và kiểm soát bệnh trên tôm nuôi được các nhà khoa học thảo luận.

Nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi hiện nay và xây dựng các nhóm giải pháp phòng trị bệnh hữu hiệu, giúp nghề nuôi tôm thương phẩm phát triển ổn định, bền vững, ngày 5/7/2017, Trường Đại học Nha Trang tổ chức hội thảo khoa học “Bệnh trên tôm nuôi và biện pháp phòng trị”. Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản trung ương (Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia…); Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Thủy sản các địa phương trong khu vực; Các doanh nghiệp thủy sản hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giống và nuôi thương phẩm, thuốc thú y; Các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản III, Viện Hải dương học Nha Trang, đại diện người nuôi tôm trong khu vực.

PGS.TS Trang Sĩ Trung - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trang Sĩ Trung - Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh: hiện nay trên tôm nuôi ngày càng phát sinh nhiều dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi, việc ngăn chặn hiệu quả các loại dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến đời sống của hàng vạn người nuôi trồng và kim ngạch xuất khẩu. Do vậy, Nhà trường tổ chức hội thảo nhằm tìm các giải pháp trị bệnh hiệu quả cho tôm nuôi, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản của đất nước.

Hội thảo có 15 báo cáo tham luận tập trung vào các chủ đề chính sau:

- Bệnh trên tôm nuôi: Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi; Tổng quan về bệnh gan tụy trên tôm he; Tình hình dịch bệnh trên tôm he ở Khánh Hòa; H2S - sát thủ thầm lặng; Sản lượng tôm thế giới và những bệnh mới xuất hiện;...

- Những giải pháp phòng trị bệnh: Sử dụng chất kích thích miễn dịch trong nuôi tôm he; Một số giải pháp hạn chế hội chứng chết sớm và bệnh phân trắng trên tôm thẻ chân trắng trong nuôi tôm công nghiệp; Sử dụng chất phụ gia thay thế kháng sinh trong phòng trị bệnh ở tôm thẻ chân trắng; Một số giải pháp thay thế thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; Chiến lược phát triển sản phẩm tăng sức đề kháng và sức khỏe cho tôm nuôi;...

- Một số mô hình nuôi tôm an toàn: Mô hình nuôi tôm theo công nghệ biofloc; Quy trình sản xuất tôm giống sạch bệnh của Việt Úc;...

Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi của Tổng cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2017 tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 11.430 ha, chiếm 1,89% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Trong đó, tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh là 4.165,78 ha, chiếm 36.4% (các bệnh trên tôm nuôi: bệnh đốm trắng 14%, bệnh hoại tử gan tụy cấp 14%, bệnh đỏ thân, còi, phân trắng... chiếm 8%) tổng diện tích bị thiệt hại; Không xác định nguyên nhân 4.745 ha, chiếm 41,5,8%; Do biến đổi môi trường, thời tiết là 2.519 ha, chiếm 22,0 %Những thiệt hại do bệnh trên tôm nuôi là rất lớn, đặt ra cho các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp và nông dân cần phải có giải pháp cụ thể để phòng, trị và giảm dần thiệt hại.

Báo cáo tổng quan về “Nghiên cứu bệnh hoại tử gan tụy cấp ở tôm sú”, TS. Võ Thế Dũng (Viện NC NTTS III) cho biết: từ khi phát triển nghề nuôi ở quy mô hàng hóa, nghề nuôi tôm luôn đối mặt với dịch bệnh, trong đó bệnh hoại tử gan tụy cấp có mức độ cấp tính cao, xẩy ra ở nhiều quốc gia, gây thiệt hại nghiêm trọng... Bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPNS) đã xác định được tác nhân là vi khuẩn V. alginolyticus, tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều công trình nghiên cứu về biện pháp phòng, trị và kiểm soát bệnh này. Một số nghiên cứu đã được công bố: năm 2015, Cheweepack và cộng sự đã thử nghiệm dùng dịch chiết thô từ cây có tên khoa học là Alpinia galanga (loại cây thuộc họ gừng) trộn vào thức ăn tôm, sau đó đem tôm thử nghiệm với vi khuẩn gây bệnh AHPNS, kết quả cho thấy tôm đã giảm tỉ lệ nhiễm vi khuẩn, tỉ lệ sống cao hơn; Năm 2016, Jha và cộng sự đã công bố công trình đầu tiên về sử dụng dầu một số loài thực vật (gồm: Lavandula latifolia, Pinus sylvestris, jasminum officinale, Citrus limon, Prunus avium, Viola odorata, Gardenia jasminoides, Cocos nusifera, Rosa damascene and  Eucalyptus globulus) đem trộn với thức ăn cho tôm ăn, qua 10 ngày thử nghiệm, tôm không có dấu hiệu nhiễm bệnh AHPNS và tỉ lệ chết là 0%; Thời gian gần đây, các nhà khoa học ở Thái Lan đã phân lập được một số chủng vi khuẩn trong nước và đáy ao nuôi tôm thuộc một số loài Bacteriovorax spp có khả năng tấn công và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh AHPNS...

Trong báo cáo tham luận về "Một số giải pháp thay thế thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản", ThS. Nguyễn Thị Thùy Giang (Viện Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang) cho rằng: hiện nay kháng sinh được sử dụng phổ biến để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng thường xuyên và không đúng cách, dẫn đến hiện tượng kháng thuốc ở vi khuẩn. Do đó, một biện pháp đang được khuyến khích là bổ sung dư lượng khoáng và prebiotic trong thức ăn của động vật thủy sản, nhằm tăng cường khả năng miễn dịch và sức đề kháng...

Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia báo cáo tại hội thảo

Báo cáo tham luận tại hội thảo, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã nêu ra nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả cao như: nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP (thuộc dự án Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh ven biển miền Trung); Nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ biofloc; Nuôi luân canh tôm sú - rong câu;... Các mô hình nuôi trên đều hạn chế hoặc không bị dịch bệnh trong quá hình triển khai. Có được kết quả này là do các mô hình đã thay đổi cách quản lý, đặc biệt là phương thức canh tác (chuyển sang nuôi xen canh thân thiện với môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ...).

Đại biểu tham dự hội thảo

Các tin cùng chuyên mục

Trường ĐH Nha Trang lọt Top 30 đại học xuất sắc tại Việt Nam ở bảng xếp hạng Webometrics

Tọa đàm trực tuyến “Quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm”

Cuộc thi “Tìm kiếm ngôi sao khởi nghiệp sáng tạo - EDTECH VIETNAM 2021”

Sinh viên Trường ĐH Nha Trang lọt Top 10 đội xuất sắc nhất cuộc thi ERPsim quốc tế

Xét tặng Giải thưởng Khoa học công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2021

Sinh viên Trường ĐH Nha Trang tham gia vòng Chung kết cuộc thi Quốc tế - 13th ERPsim International Competition

Trường ĐH Nha Trang là 1 trong 10 trường/viện có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản

Bộ Khoa học và Công nghệ ra mắt chuyên trang Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam

Tập huấn viết bài báo khoa học quốc tế