Đổi mới PPGD
Minimize
 Hội nghị 5/2015
______________________

 Hội nghị 4/2014
______________________

 Hội nghị 6/2013
______________________


  Hội nghị 5/2012
______________________

 Hội nghị 12/2011
______________________

 Hội nghị 6/2011
  
Đổi mới PPGD
Minimize

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG                                                                                                         TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ TP.HCM



                  HỘI THẢO ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY            
THÁNG 5/2015


1. Đổi mới đào tạo kế toán - kinh nghiệm Hoa Kỳ và các đề xuất cho Việt Nam (Vũ Hữu Đức - Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Trường Đại học Mở TPHCM)

Tóm tắt: Đổi mới đào tạo kế toán là vấn đề quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực kế toán, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Tại Hoa Kỳ, quá trình này đã diễn ra vào những năm 1970 trong các trường đại học và tiếp tục trở thành vấn đề thời sự vào thập niên đầu của thế kỷ 21. Bài viết này phân tích tiến trình đổi mới đào tạo kế toán tại Hoa Kỳ, đánh giá những hạn chế của hệ thống đào tạo kế toán Việt Nam để đề xuất một số định hướng có thể thực hiện được trong điều kiện Việt Nam.

2.    Vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực đối với một số học phần ngành Tài chính (Võ Văn Cần - Tiến sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Nha Trang; Nguyễn Thị Liên Hương - Thạc sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Nha Trang)

Tóm tắt: Đổi mới phương pháp giảng dạy được xem là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng đào tạo, và cũng là mục tiêu mà các trường đại học luôn cần hướng tới. Phương pháp giảng dạy tích cực tạo tính chủ động trong học tập, từ đó tăng khả năng tiếp thu và vận dụng bài học của sinh viên. Bởi vì kiến thức các học phần ngành tài chính có mối liên hệ với thực tế rất cao, do đó đây có thể vừa được xem là cơ hội, động lực, vừa cũng là đòi hỏi tất yếu phải vận dụng các phương pháp tích cực trong giảng dạy để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Với đặc điểm riêng của từng học phần cũng như của từng đối tượng được giảng dạy, mỗi giảng viên sẽ tự lựa chọn và tổ chức cho mình những phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp. Tuy nhiên, chỉ trong những điều kiện hỗ trợ tương thích, các phương pháp giảng dạy tích cực khi vận dụng mới có thể thật sự đạt được kết quả như mong muốn.

3.    Giảng dạy môn Nguyên lý kế toán theo hướng tiếp cận người sử dụng thông tin (Trần Tuyết Thanh - Thạc sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Mở TP.HCM)

Tóm tắt: Một trong những đổi mới quan trọng trong xu hướng giảng dạy môn Nguyên lý kế toán hiện nay là tiếp cận theo người sử dụng thông tin thay vì người làm ra thông tin. Khoa Kế toán – Kiểm toán, Trường Đại học Mở TPHCM đã triển khai theo hướng này từ năm 2011. Bài viết này xem xét các lập luận, kinh nghiệm trên thế giới về vấn đề này, cách thức tiếp cận tại một số trường đại học tại Việt Nam và khảo sát việc áp dụng tại trường Đại học Mở TPHCM.

4.    Trao đổi kinh nghiệm giảng dạy học phần Nguyên lý kế toán (Nguyễn Bích Hương Thảo – Thạc sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Nha Trang)

Tóm tắt: Bộ Giáo dục và Đào tạo cho khối ngành kinh tế nói chung và cũng là môn học tiên quyết để học các môn chuyên ngành của ngành kế toán, tài chính nói riêng. Học phần này cung cấp kiến thức cơ bản cho người học bắt đầu làm quen với các môn học ien quan đến kế toán. Với các khái niệm, thuật ngữ, nguyên tắc, phương pháp, nguyên tắc, thuật ngữ hầu như rất mới lạ đối với người học. Với thời gian lên lớp theo chương trình xây dựng 45 tiết (50 phút/1 tiết) và yêu cầu cần truyền đạt hết kiến thức các chủ đề của học phần, việc làm sao để sinh viên nắm bắt, ghi nhớ được hết nội dung môn học là điều quan tâm của các giảng viên đang giảng dạy môn học này. Ở bài viết này tác giả chia sẻ một số kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy cho học phần Nguyên lý kế toán.

5.    Phương pháp giảng dạy đối với học phần Kế toán tài chính 1 (Mai Diễm Lan Hương - Thạc sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Nha Trang)

Tóm tắt: Hiện nay, việc chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ đã dẫn đến số giờ diễn giảng ở lớp hạ xuống so với chương trình cũ của ngành kế toán. Vì vậy, việc giảng dạy, học tập phải chuyển từ đào tạo sang tự đào tạo, kết hợp các phương pháp giảng dạy hợp lý nhằm phát huy năng lực tự học của sinh viên. Bài viết này nhằm trao đổi một số ý kiến chủ quan của cá nhân về việc sử dụng một số phương pháp giảng dạy chủ yếu trong giảng dạy học phần Kế toán tài chính 1, giúp cho sinh viên tự giải quyết các tình huống, nhằm phát huy tính sáng tạo, tư duy lôgic khoa học, độc lập suy nghĩ của sinh viên.

6.    Sử dụng phương pháp giảng dạy bằng tình huống trong học phần quản trị rủi ro tài chính (Chu Thị Lê Dung - Thạc sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Nha Trang)

Tóm tắt: Phương pháp giảng dạy bằng tình huống là một trong những phương pháp giảng dạy tích cực. Trong phương pháp này, giảng viên đưa ra các tình huống chứa đựng nội dung bài giảng để học viên có bối cảnh trải nghiệm, có điều kiện đưa ra các ý kiến cá nhân, qua đó phát huy tính tích cực của học viên trong việc tự phân tích tìm đường đi đến chân lý. Bài viết chia sẻ các kinh nghiệm trong việc sử dụng phương pháp giảng dạy bằng tình huống đối với học phần quản trị rủi ro tài chính. Quá trình thực hiện bao gồm xác định mục tiêu học tập, chọn lựa bài tập tình huống thích hợp và tổ chức việc thực hiện bài tập tình huống trên lớp.

7.    Kinh nghiệm giảng dạy môn học Kế toán chi phí (Hoàng Huy Cường - Thạc sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Mở TPHCM)

Tóm tắt: Môn Kế toán chi phí là môn học tập trung vào việc phân loại chi phí, tập hợp chi phí, phân bổ chi phí và tính giá thành theo các đối tượng như sản phẩm, bộ phận, khách hàng... Thông tin kế toán chi phí xử lý và cung cấp cho hai mục tiêu cơ bản, đó là: (a) cho đối tượng bên ngoài, đó chính là thông tin trình bày trên các BCTC và (b) cho đối tượng bên trong doanh nghiệp để ra các quyết định quản trị nội bộ. Bài viết này chia sẻ một số vấn đề trong quá trình giảng dạy mà chúng tôi tin rằng chúng hữu ích giúp sinh viên đạt được mục tiêu học tập của mình. Cụ thể, các nội dung được trao đổi bao gồm: Việc lựa chọn phương pháp giảng dạy, cách thức trình bày bài thuyết giảng, đánh giá kết quả học tập và khơi gợi khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.

8.    Một số kinh nghiệm giảng dạy môn học Kiểm toán (Lê Thị Thanh Xuân - Thạc sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Mở TPHCM; Trần Thị Vinh - Thạc sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Mở TPHCM)

Tóm tắt: Môn học Kiểm toán được thiết kế trong chương trình đào tạo của nhiều ngành, chuyên ngành trong khối ngành Kinh tế và Quản trị. Các sinh viên thường cho rằng đây là một môn học thú vị nhưng khó hiểu. Việc phân tích cho thấy ba khó khăn trong việc giảng dạy môn học này là: (1) Các thuật ngữ chuyên ngành trừu tượng, khó hiểu; (2) Sự khác biệt về đối tượng giảng dạy và (3) Khả năng truyền tải kiến thức một cách hấp dẫn. Qua kinh nghiệm thực tế, các tác giả đề xuất một số giải pháp như đưa các ví dụ minh họa để làm rõ các khái niệm, thuật ngữ; điều chỉnh bài giảng theo các đối tượng khác nhau và dùng những tình huống thực tế với liều lượng vừa phải để tăng cường sự thú vị và quan tâm của sinh viên.

9.    Kinh nghiệm trong việc đưa tình huống thực tế vào ví dụ trong giảng dạy môn kiểm toán. (Phạm Minh Vương - Thạc sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Mở TPHCM; Đinh Thị Thu Hiền - Thạc sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Mở TPHCM)

Tóm tắt: Giảng dạy là thay đổi. Thay đổi tư duy và nhận thức của người học để từ đó hình thành kỹ năng hoặc kiến thức mới. Việc thay đổi này không phải do ngẫu nhiên và tính chất của việc thay đổi sẽ khác nhau tùy thuộc vào đối tượng học. Giảng dạy không phải là năng khiếu bẩm sinh mà cần có quá trình hình thành (Bruner, 2002). Người giảng viên giỏi là người biết hoàn thiện kiến thức và kỹ năng trong quá trình cố gắng không ngừng. Có nhận định cho rằng một trong những tiền đề quan trọng để trở thành người giảng viên giỏi là việc thấu hiểu quá trình dạy và học (Sequeira, 2012). Điều này có thể đưa đến cái nhìn tốt hơn về nghề giáo nói chung cũng như của quá trình giáo dục nói riêng. Vai trò truyền thống của người thầy là nguồn cung cấp tri thức; có thể hình dung về vai trò truyền thống này với hình ảnh học trò ngồi thành hàng và lắng nghe các kiến thức được truyền thụ bởi người thầy cùng với các minh họa trên phấn trắng và bảng đen. Điều này ngày nay không còn đúng. Vai trò của người thầy hiện đại nên là người hỗ trợ, người cố vấn cho người học để việc học trở nên dễ dàng. Có nhiều phương thức để giúp việc học dễ dàng hơn từ việc thiết kế slide bài giảng hấp dẫn đến việc đưa tình huống thực tế vào nội dung giảng dạy. Bài viết này nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm trong việc đưa tình huống thực tế vào giảng dạy môn kiểm toán.

10.  Kinh nghiệm áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực đối với học phần Thuế của lớp học đông sinh viên ngành Kế toán – Tài chính (Thái Ninh - Thạc sĩ, Giảng viên chính, Trường Đại học Nha Trang)

Tóm tắt: Phương pháp giảng dạy tích cực lấy người học làm trung tâm, giúp cho người học chủ động hơn trong tiếp cận và trang bị kiến thức. Tuy nhiên, việc áp dụng vào thực tế đòi hỏi xem xét những điều kiện và bối cảnh giảng dạy. Học phần thuế giảng dạy cho ngành Kế toán – Tài chính yêu cầu trang bị nền tảng lý thuyết và khả năng ứng dụng vào thực tiễn phong phú cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế. Với đặc điểm người học là sinh viên chưa có hiểu biết về thực tế kinh doanh, lớp học đông, tác giả đưa ra một số cách thức áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, bao gồm đặt tình huống giải quyết vấn đề trên lớp và thảo luận nhóm. Tác giả cũng đánh giá những khó khăn trong triển khai và đưa ra một số giải pháp cải thiện.

11.  Lợi ích và việc giảng dạy môn học Hệ thống thông tin kế toán đối với sinh viên ngành Kế toán (Vũ Quốc Thông - Thạc sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Mở TPHCM)

Tóm tắt: Ngày nay, tác động rõ nét của công nghệ thông tin vào đời sống thường nhật cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã đặt ra những thách thức mới cho việc đào tạo nguồn nhân lực trong xã hội. Trong vai trò sẽ tham gia lực lượng lao động trí thức tương lai, sinh viên thuộc ngành đào tạo kế toán cần được lĩnh hội kiến thức và trải nghiệm những kỹ năng đi kèm với yếu tố tác động của công nghệ để có thể đáp ứng được nhu cầu từ thị trường lao động. Bài viết này trình bày những lợi ích cũng với việc giảng dạy môn học hệ thống thông tin kế toán (HTTT Kế toán) trong chương trình Cử nhân kế toán.

12.  Trao đổi về ứng dụng Microsoft Excel trong giảng dạy chuyên ngành kế toán (Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Thạc sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Mở TPHCM)

Tóm tắt: Microft Excel là một công cụ hữu ích cho người dạy, người học và những ai có nhu cầu sử dụng và ứng dụng vào chuyên ngành kế toán hiện nay. Các kiến thức và kỹ năng ứng dụng phần mềm này thường được các trường đại học quan tâm trang bị cho người học trước khi ra trường. Trong phạm vi bài viết này tác giả tham gia trao đổi chung quanh một số vấn đề thường tranh luận về giảng dạy phần mềm bảng tính này như một môn học trong chuyên ngành kế toán. Thứ nhất, giảng viên giảng dạy môn học này có nhất thiết là thuộc Khoa Kế toán hay không. Thứ hai, mô hình doanh nghiệp nào nên chọn để làm cơ sở cho giảng dạy môn học. Cuối cùng, để học tốt môn học này, người học cần có những kiến thức và kỹ năng cơ bản nào.

13.  Những thách thức và cơ hội cho các giảng viên trẻ trong giảng dạy chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng (Huỳnh Thị Như Thảo - Thạc sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Nha Trang)

Tóm tắt: Xuất phát từ nhiệm vụ quan trọng của giảng viên trong đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng hiện nay, bài viết phân tích các cơ hội và thách thức của các giảng viên trẻ. Cơ hội lớn nhất theo tác giả là sự giao lưu, trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu và hướng dẫn, giảng dạy giữa gỉang viên ở các thế hệ, giữa giảng viên với doanh nghiệp và giữa giảng viên với sinh viên. Các thách thức được ghi nhận liên quan đến giảng viên trẻ bao gồm trình độ chuyên môn nhìn chung còn hạn chế, năng lực giảng dạy chưa cao do thiếu kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu còn ở mức ban đầu. Một số giải pháp đề xuất liên quan đến việc tăng cường tổ chức các chương trình, lớp học hoặc hội thảo để giảng viên có thêm cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Bản thân giảng viên cũng cần nỗ lực để có thể phát triển năng lực bản thân.

14.  Những thách thức và cơ hội cho giảng viên trẻ trong giảng dạy chuyên ngành hiện nay (Nguyễn Thị Bảo Ngọc - Thạc sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Nha Trang)

Tóm tắt: Phát triển đội ngũ giảng viên trẻ là một yêu cầu quan trọng của nâng cao chất lượng đào tạo. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cả Nhà trường và chính bản thân giảng viên. Các giảng viên trẻ đứng trước nhiều thách thức lớn bao gồm vấn đề thu nhập, yêu cầu về nâng cao trình độ chuyên môn và thực hiện các nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, họ cũng có nhiều cơ hội trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, giao lưu quốc tế rộng mở và tham gia các sinh hoạt học thuật. Các giải pháp để vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội được đề nghị bao gồm các chính sách của Nhà trường (thu nhập, hỗ trợ học tập, hỗ trợ nghiên cứu khoa học) và nỗ lực của bản thân giảng viên trẻ. Xây dựng một bộ năng lực chuẩn của giảng viên là một giải pháp quan trọng để Nhà trường đầu tư đúng hướng và các giảng viên có định hướng đúng đắn để phán đấu.

15.  Tổ chức giảng dạy các chương trình cập nhật kiến thức về quản lý tài chính, tài sản và kế toán hành chính sự nghiệp (Phan Thị Thúy Ngọc - Thạc sĩ, Giảng viên chính, Trường Đại học Mở TPHCM)

Tóm tắt: Sự đổi mới về thể chế tài chính trong những năm qua dẫn đến hàng loạt các chính sách, chế độ tài chính ra đời. Sự đổi mới chính sách tài chính luôn luôn kéo theo sự đổi mới trong lĩnh vực kế toán. Vì vậy, nhu cầu tập huấn cập nhật kiến thức để triển khai thực hiện là hết sức cần thiết. Bài viết này trình bày một số kinh nghiệm trong vấn đề tổ chức các chương trình cập nhật kiến thức về quản lý tài chính, tài sản và hành chính sự nghiệp.