Các Bộ môn
Minimize
Giới thiệu ngành Cơ điện tử
Minimize

CƠ ĐIỆN TỬ TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG

MỘT TRONG NHỮNG NGÀNH THÚC ĐẨY CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

Vũ Thăng Long – Trưởng BM Cơ điện tử

CƠ ĐIỆN TỬ LÀ GÌ?

Cơ điện tử là một ngành học đào tạo ra các kỹ sư, chuyên gia và nhân viên kỹ thuật có tổng hợp kiến thức và kỹ năng cơ bản về cơ khí, điện - điện tử và tin học để thiết kế, chế tạo và vận hành máy móc và thiết bị điều khiển tự động nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc.

Trong công nghệ kỹ thuật, về cơ bản, kỹ sư cơ khí có khả năng tính toán, thiết kế và chế tạo kết cấu cơ khí của máy, kỹ sư tin học có thể tạo ra trí thông minh nhân tạo,… kỹ sư điện tử nghiên cứu kết nối và điều khiển tín hiệu điện,... Tuy nhiên, để làm cho máy móc tự động và thông minh đòi hỏi người kỹ sư, chuyên gia phải có tổng hợp chuyên môn cơ khí, hiểu biết về điện-điện tử và có khả năng kết nối giữa giải thuật phần mềm, trí thông minh nhân tạo với thiết bị. Chính yêu cầu này đã hình thành nên ngành Cơ điện tử, để tạo ra sản phẩm mới đáp ứng các yêu cầu đặt ra trên cơ sở phối hợp nền tảng sẵn có của các ngành cơ khí, điện tử  tin học.

Với khả năng hiểu biết về cơ khí, điện tử, tin học và các công nghệ hiện đại... người kỹ sư Cơ điện tử có khả năng đưa vào các sản phẩm cơ khí hệ thống điều khiển linh hoạt bằng điện tử, thông qua hệ thống điều khiển điện tử được kết nối với hệ thống xử lý thông tin - trí thông minh nhân tạo sẽ tạo ra một sản phẩm tự động hoàn chỉnh.


CƠ ĐIỆN TỬ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG

Ngành Cơ điện tử của Trường Đại học Nha Trang được phép đào tạo trình độ đại học từ năm 2006, bắt đầu từ khóa 48, hiện nay Trường đã có trên 500 sinh viên tốt nghiệp với các bậc đào tạo khác nhau. Kỹ sư Cơ điện tử của Trường có mặt ở hầu hết các tỉnh thành của nước ta, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của đất nước.


Hình ảnh lễ tốt nghiệp khóa 48 ngành Cơ điện tử

Giảng viên: Bộ môn Cơ điện tử có tổng cộng 6 Giảng viên, gồm 02 Tiến sĩ và 04 Thạc sĩ được đào tạo từ các trường đại học uy tín trong và ngoài nước. Các giảng viên của Bộ môn đảm trách các học phần chuyên sâu về điều khiển hoặc các học phần mang tính chất liên ngành từ các ngành cơ khí, điện tử và tin học.

Cơ sở vật chất: Sinh viên ngành Cơ điện tử được thực hành tại Trung tâm thí nghiệm - thực hành với các thiết bị máy móc hiện đại và đầy đủ, đảm bảo có kỹ năng tốt khi ra trường.

Thực hành Kỹ thuật robot

Thực hành Cảm biến

Thực hành PLC

Thực hành điện tử, vi điều khiển

Thực hành điều khiển động cơ điện

Thực hành gia công trên máy CNC

Hoạt động nghiên cứu khoa học và ngoại khóa: Sinh viên ngành Cơ điện tử được tham gia các hoạt động ngoại khóa thường xuyên như tham dự Robocon, tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao kết quả cho các doanh nghiệp,…

Sinh viên Cơ điện tử tham gia nghiên cứu khoa học và Robocon


CHUYÊN MÔN ĐƯỢC ĐÀO TẠO CỦA NGÀNH CƠ ĐIỆN TỬ

- Kiến thức, kỹ năng về cơ khí:

+ Vật liệu cơ khí, cấu trúc và nguyên lý máy; hệ thống thủy - khí trong các dây chuyền sản xuất tự động,…

+ Chế tạo, gia công cơ khí: Hàn, phay, tiện, rèn và gia công cơ khí trên máy CNC

- Kiến thức ứng dụng về điện và điện tử:

+ Điện tử cơ bản, điện tử tương tự, điện tử công suất, vi mạch số…

+ Động cơ điện: Các động cơ thường gặp như DC, AC, Servo…

+ Cảm biến: Đo lường các thông số nồng độ oxy, nhiệt độ, lực, áp suất, tốc độ quay…

+ Vi điều khiển: Atmega, ARM, PIC…

+ Bộ điều khiển khả trình: PLC S7-200, S7-300, S7-1200

+ Điều khiển và giám sát hệ thống, hệ SCADA và mạng truyền thông công nghiệp

- Kiến thức về công nghệ thông tin và lập trình điều khiển trên máy vi tính:

+ Am hiểu phần mềm lập trình kỹ thuật như Matlab, Visual Basic, C++, c#, SolidWorks…; phần mềm lập trình cho PLC và vi điều khiển

+ Công nghệ nhận dạng mẫu và xử lý ảnh

- Kiến thức tổng hợp:

+ Hệ thống tự động trong công nghiệp: Phân tích và điều khiển hệ thống tự động sản xuất, kiểm tra, phân loại và đóng gói sản phẩm; thiết kế và chế tạo máy CNC, máy in 3D,…

+ Robot: Thiết kế và chế tạo robot phục vụ đời sống như robot Delta và SCARA sử dụng cho máy in 3D, robot lặn, robot lắp ráp sản phẩm,…

+ Hệ thống dân dụng: Hệ thống điều khiển nhà thông minh, chống trộm tự động, bảng điện tử, đèn giao thông…


ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP SAU KHI TỐT NGHIỆP

Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử có thể:

1.        Thiết kế, vận hành và đề xuất các giải pháp tự động hóa cho các hệ thống có sử dụng sản phẩm cơ điện tử.

2.        Làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp có dây chuyền sản xuất tự động.

3.        Làm việc trong các cơ quan nghiên cứu, thiết kế ứng dụng công nghệ điều khiển tự động; các cơ sở đào tạo; cơ quan tư vấn, đại lý phân phối sản phẩm tự động hóa.

Một số công ty có kỹ sư ngành Cơ điện tử của Trường Đại học Nha Trang đang làm việc: Kỹ sư Cơ điện tử của Trường đang làm việc ở rất nhiều các công ty có qui mô hoạt động khác nhau, trong số đó có rất nhiều người thành đạt, nắm giữ vị trí quan trọng của công ty cũng như trong công việc riêng của mình.

                       

                   

Một số công ty có Kỹ sư cơ điện tử của Trường đang làm việc