Hỏi đáp
Minimize
HỎI ĐÁP: ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP, ĐÀO TẠO VÀ VIỆC LÀM

Câu hỏi 1: Chào thầy, thầy cho em hỏi ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử thì chuyên về điện dân dụng hay điện lạnh?

Trả lời:

Đầu tiên xin cảm ơn bạn đã quan tâm tới ngành công nghệ kỹ thuật Điện -  Điện tử của trường ĐHNT.

Tôi thay mặt cho ban chủ nhiệm khoa DDT xin được giới thiệu sơ lược về ngành công nghệ kỹ thuật Điện – Điện tử, qua đó sẽ trả lời câu hỏi của bạn.

Như các bạn đã biết, trường ĐHNT trước đây là trường ĐH Thủy sản, do vậy các ngành nghề của trường đều phục vụ ngành nghề thủy sản và kinh tế biển. Ngành công nghệ kỹ thuật Điện – Điện tử cũng không nằm ngoài định hướng đó. Mục tiêu chính của ngành công nghệ kỹ thuật Điện – Điện tử, trường ĐHNT là đào tạo ra các kỹ sư, cử nhân có đầy đủ kiến thức, kỹ năng phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và điện khí hóa phục vụ ngành nghề thủy sản nói riêng. Sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật Điện – Điện tử sẽ được đào tạo những kiến thức, kỹ năng, tư duy khoa học sáng tạo trong các lĩnh vực liên quan đến điện – điện tử như hệ thống sản xuất và truyền tải, phân phối điện năng, tự động hóa các dây chuyển sản xuất trong nhà máy, xí nghiệp, các máy móc, trang thiết bị điện và điện tử, hệ thống thông tin, truyền thông thông và xử lý tín hiệu,…

Như vậy thì ngành công nghệ kỹ thuật Điện – Điện tử không chuyên về điện lạnh, tuy nhiên với xu thế tích hợp công nghệ ngày nay thì rất nhiều loại máy móc trong đó có hệ thống máy lạnh, máy nhiệt cần tới quá trình điều khiển và quá trình động lực bằng các mạch điện tử và máy điện. Do vậy, nếu bạn học ngành công nghệ kỹ thuật điện – điện tử thì bạn hoàn toàn có đủ kiến thức và kỹ năng để làm việc trong lĩnh vực điện lạnh. Thực tế, đã có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành CN kỹ thuật DDT trường ĐHNT đã và đang làm việc trong lĩnh vực điện lạnh.

Câu hỏi 2: Học xong ngành công nghệ kỹ thuật điện – điện tử mình có thể làm những việc gì,có dễ xin việc làm không ạ?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi.

Thực sự để kiếm được một công việc phù hợp với năng lực, có chế độ đãi ngộ tốt là một việc không hề đơn giản và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực chuyên môn, các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Để có được những yếu tố trên ngoài những kiến thức, kỹ năng được tích lũy từ Nhà trường và các thầy cô còn cần phải có sự nỗ lực rất lớn của riêng từng cá nhân. Tuy vậy, trong giai đoạn hiện nay khi đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng, những nhân lực về các ngành kỹ thuật công nghệ nói chung và ngành công nghệ kỹ thuật điện – điện tử nói riêng là rất cần thiết. Hàng năm số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành CNKT điện – điện tử, trường DHNT đều không đủ để đáp ứng thị trường lao động trong tỉnh Khánh Hòa cũng như trong khu vực. Hầu hết các sinh viên tốt nghiệp đều tìm được việc làm, có thể kể đến một số nơi trong tỉnh Khánh Hòa sử dụng kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp ngành CNKT Điện – Điện tử ĐHNT như: sân bay quốc tế Cam Ranh, khu công nghiệp Suối Dầu (Cam Lâm), khu công nghiệp Diên Phú (Diên Khánh), nhà máy đường Khánh Hòa, nhà máy sợi, nhà máy thuốc lá Khatoco, các công trình xây dựng khách sạn, chung cư cao cấp trên địa bàn thành phố Nha Trang và nhiều nơi ở các tỉnh thành khác

Những công việc chính mà kỹ sư điện – điện tử có thể làm là: tính toán, thiết kế các công trình điện dân dụng và công nghiệp, tính toán, thiết kế máy điện như biến áp, động cơ điện, tính toán, thiết kế các hệ thống tự động hóa trong các dây chuyền sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp; tính toán thiết kế các hệ thống thông tin liên lạc, các hệ thống xử lý tín hiệu; trực tiếp thi công, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các hệ thống điện, các hệ thống tự động hóa, các trang thiết bị điện, điện tử,…

Do vậy, nếu bạn theo học ngành công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, DHNT đồng thời xác định được mục tiêu, định hướng nghề nghiệp rõ ràng cùng với sự cố gắng và hoàn thiện của bản thân, tôi tin chắc bạn sẽ tìm được công việc như ý sau khi tốt nghiệp và có một sự nghiệp vững chắc sau này.

Câu hỏi 3: Sinh viên học ngành CNKT điện – điện tử muốn về làm công tác ở các công ty tư vấn thiết kế điện thì phải học và bổ sung những môn học gì?

Trả lời:

Cảm ơn bạn,

Một trong những định hướng nơi làm việc của sinh viên tốt nghiệp ngành CNKT điện – điện tử, ĐHNT là làm việc tại các công ty tư vấn thiết kế điện. Chương trình đào tạo của ngành được thiết kế để cung cấp những kiến thức cơ bản về ngành điện – điện tử nói chung và định hướng ngành hẹp tư vấn, thiết kế điện nói riêng. Có thể kể đến một số môn học liên quan trực tiếp đến lĩnh vực tư vấn, thiết kế điện như: máy điện và khí cụ điện; vẽ điện – điện tử; giải tích hệ thống điện; cung cấp điện; kỹ thuật chiếu sáng,…

Do vậy bạn không cần phải học thêm môn học gì, mà chỉ cần tốt nghiệp ngành CNKT điện – điện tử thì vẫn có thể làm tốt được trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế điện. Tuy nhiên, lời khuyên của chúng tôi là nếu có thể bạn nên rèn luyện kỹ năng mềm, nâng cao trình độ ngoại ngữ thì cơ hội nghề nghiệp sẽ rộng mở hơn.

Câu 4: Em yêu thích ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa của khoa Điện – Điện tử, trường Đại học Bách Khoa TP HCM, nhưng xét lực học chưa đủ khả năng để thi tuyển. Nếu học ngành CNKT Điện – Điện tử trường ĐHNT có cơ hội cạnh tranh với các bạn đến từ TP HCM không?

Trả lời:

Cảm ơn em,

Đây cũng là lo lắng của nhiều bạn thí sinh trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề cho mình. Theo chúng tôi, hiện nay trường ĐH Nha Trang có chất lượng vào mức khá trong cả nước, về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, môi trường học tập của trường ĐHNT không thua kém bất cứ trường ĐH nào trong cả nước. Với khoa Điện – Điện tử, hiện nay đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm gồm có 2 PGS, 5 TS, 4 NCS còn lại là các thạc sỹ được đào tạo từ những trường ĐH hàng đầu trong nước và nước ngoài như ĐH Bách Khoa HN, ĐH Bách Khoa TP HCM, ĐH SPKT TPHCM, các nước tiên tiến như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc; về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy  gồm có đầy đủ các phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và NCKH như phòng thí nghiệm kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, PTN điều khiển lập trình PLC, PTN điều khiển tự động, PTN kỹ thuật số, vi xử lý, kỹ thuật audio-video,…Do vậy hoàn toàn đáp ứng tốt việc đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, trong đó ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa cũng là một ngành hẹp của ngành CNKT điện – điện tử.

Ngoài ra, lợi thế của ngành CNKT điện – điện tử, trường ĐHNT là:

-      Thứ nhất: tính ứng dụng: trong định hướng phát triển trường ĐHNT sẽ trở thành một trong những trường ĐH ứng dụng hàng đầu ở khu vực và cả nước. Chương trình đào tạo được xây dựng hướng đến tính ứng dụng, cung cấp những kiến thức, kỹ năng để sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay. Cụ thể: những kiến thức lý thuyết được tinh gọn nhưng vẫn đầy đủ; tất cả các môn học chuyên ngành đều có học phần thực hành; sinh viên được thường xuyên đi thực tế, thực tập và tiếp xúc với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

-      Thứ hai: tính đặc thù: như các bạn đã biết trường ĐHNT trước đây là trường ĐH thủy sản, do vậy ngành CNKT điện – điện tử của trường có một thế mạnh đặc biệt là đào tạo kỹ thuật điện – điện tử phục vụ nghề cá và hàng hải. Trên các tàu hàng hải và đi biển hiện nay cần rất nhiều thiết bị điện – điện tử như: hệ thống chiếu sáng dẫn dụ cá, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống định vị dẫn đường, hệ thống dò tìm cá, tránh va chạm giữa các tàu. Tất cả những hệ thống, thiết bị trên CBGD trong khoa đã có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy và chuyển giao công nghệ. Do vậy nếu học ngành CNKT điện – điện tử ĐHNT bạn sẽ được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực rất đặc thù này.

-      Thứ 3: môi trường học tập thân thiện: Nha Trang là thành phố du lịch, thời tiết ôn hòa, cảnh quan thơ mộng và con người hiếu khách, mức sống trung bình chứ không quá cao như những thành phố lớn. Trường ĐHNT nằm trên đồi Lasan, một trong những địa điểm đẹp nhất của thành phố Nha Trang, có hệ thống thư viện hiện đại, đầy đủ các đầu sách báo, tạp chí. Thầy cô trường ĐHNT trẻ trung thân thiện và nhiệt tình giảng dạy, có trách nhiệm với sinh viên.

Vậy quay trở lại với câu hỏi của bạn, nếu bạn lựa chọn học ngành CNKT điện – điện tử, ĐHNT với sự định hướng nghề nghiệp đúng đắn, say mê học tập và NCKH đồng thời bản thân nỗ lực tự hoàn thiện những kỹ năng mềm và ngoài ngữ, tôi tin bạn sẽ đủ sức cạnh tranh với các bạn đến từ các thành phố lớn như HN, hay TPHCM.

Câu hỏi 5: Xin thầy cho biết khả năng học tiếp liên thông, cao học hay các hệ đào tạo khác của ngành CNKT điện – điện tử.

Trả lời:

Hiện nay khoa DDT đang đào tạo ngành CNKT điện – điện tử ở hai hệ Đại học và Cao đẳng chính quy. Hằng năm nhà trường đều mở các lớp liên thông từ cao đẳng, trung cấp lên đại học, thời gian đào tạo từ 1,5 năm đến 2,5 năm, sau khi tốt nghiệp được cấp bằng ĐH chính quy. Các lớp liên thông này có thể mở ở Nha Trang hoặc ở các cơ sở liên kết ở các tỉnh thành khác cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện của học viên.

Đối với bậc thạc sỹ, hiện nay khoa DDT chưa đào tạo hệ này nhưng Khoa và Nhà trường cũng thường xuyên liên kết với các trường ĐH lớn trong nước như ĐH bách khoa Đà Nẵng, HV công nghệ BCVT để mở các lớp cao học khi học viên có nhu cầu

Trong khoa có nhiều CBGD đã và đang học tập tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và có mối quan hệ hợp tác rất tốt với các trường bạn. Do vậy, sinh viên có đủ năng lực và có nguyện vọng du học ở các nước trên, giảng viên trong khoa sẽ tư vấn và giúp đỡ để các bạn có thể có cơ hội nhận được học bổng đi học nước ngoài.

Câu 6: Nếu em học tốt em có thể nghiên cứu khoa học về ngành điện – điện tử được không? Nhà trường có chính sách hỗ trợ cho sinh viên NCKH không?

Chúng tôi cũng đang rất mong chờ những sinh viên tương lai có đam mê nghiên cứu khoa học. Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là đào tạo sinh viên không những có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn là tư duy sáng tạo. Do vậy hoạt động NCKH của sinh viên luôn được Khoa và Nhà trường quan tâm và hỗ trợ tối đa. Hiện nay, khoa Đ-ĐT đang có những định hướng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ nghề cá và hàng hải như chiếu sáng tiết kiệm bằng LED, sử dụng điện mặt trời, điện gió; nghiên cứu những trang thiết bị thông tin liên lạc, định vị dẫn đường, máy móc thiết bị điện phục vụ nghề cá và hàng hải; nghiên cứu tự động hóa trong các dây chuyền sản xuất; hệ thống viễn thông và xử lý tín hiệu số,…Để có thể NCKH các em có thể tìm đến thầy cô hướng dẫn, đưa ra ý tưởng, trao đổi bàn bạc với thầy cô để hiện thực hóa ý tưởng đó.

Về phía Nhà trường, trong quy chế đã có những quy định rất rõ ràng cho hoạt động NCKH của sinh viên như: Hỗ trợ kinh phí để mua trang thiết bị, nguyên vật liệu, nhân lực; tạo điều kiện tốt nhất để sử dụng các trang thiết bị của nhà trường, ghi nhận thành tích và khen thưởng cho sinh viên có thành tích cao,…