Tin chi tiết
Ứng dụng thành công công nghệ hạt nhân trong trồng bưởi 

Khoa Điện -Điện tử 1/1/2014 1:52:53 PM
Theo đánh giá của các nhà khoa học về năng lượng nguyên tử, việc ứng dụng công nghệ hạt nhân vào sản xuất nông nghiệp là một hướng đi mới hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

Ưu điểm của công nghệ này trong nông nghiệp là tạo ra những giống mới có phẩm chất tốt, sản lượng cao. Đồng thời công nghệ này cũng giúp người nông dân bảo quản tốt hơn sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.

Năm 2007, Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt phối hợp với Trung tâm nghiên cứu giống cây ăn quả Đông Nam Bộ và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đồng Nai bắt tay vào thực hiện chiếu xạ năng luợng hạt nhân để tạo ra giống bưởi mới mang tính đại diện, đặc trưng và đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật trên thế giới.

Sau hơn 5 năm nghiên cứu và triển khai đề tài sản xuất giống bưởi đường lá cam Tân Triều, Đồng Nai bằng công nghệ chiếu xạ năng lượng hạt nhân, nhằm tạo ra giống mới không hạt, đã thu được những kết quả khả quan.

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Đồng Nai, cho biết để có được ba giống bưởi không hạt, các nhà khoa học đã đưa 1.000 cành bưởi đường lá cam sạch bệnh lên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chiếu xạ bằng nguồn phóng xạ côban 60.

Ứng dụng thành công công nghệ hạt nhân trong trồng bưởi
Bưởi đường lá cam Tân Triều. (Ảnh: Sỹ Tuyên/Vietnam+)

Sau khi chiếu xạ, 1.000 cành này được ghép với 1.000 cây bưởi mẹ từ vùng bưởi Tân Triều, Đồng Nai sau đó chọn ra giống ưu việt, ít hạt nhất. Từ 1.000 cây này, nhóm nghiên cứu đã chọn ra được ba giống có quả không hạt gồm: ĐLC240, ĐLC434 và ĐLC436.

Thạc sỹ Lê Văn Thức, cán bộ Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, người trực tiếp tham gia đề tài cho biết, dòng bưởi đường lá cam Tân Triều là một loại trái cây đã có thương hiệu.

Do đó, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai cũng như nhóm nghiên cứu là tạo ra một giống bưởi mới của dòng bưởi đường lá cam Tân Triều, để tạo tính ổn định và cho chất lượng tốt nhất đáp ứng những hàng rào kỹ thuật khắt khe của quốc tế để nhằm đưa trái cây này không những tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.

Thạc sỹ Thức cho biết, theo tiêu chuẩn quốc tế, trong một quả bưởi có dưới năm hạt là đã đạt tiêu chuẩn không hạt. Và ba giống bưởi trên đã đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật mà quốc tế quy định. Hiện những giống bưởi trên đã cho được quả từ một mùa đến hai mùa mỗi năm.

Nhóm nghiên cứu hiện đang phối hợp với người dân vùng bưởi Tân Triều, Đồng Nai triển khai trồng 30ha và đã cho thu hoạch.

Bưởi Tân Triều là thương hiệu trái cây đầu tiên của tỉnh Đồng Nai được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận từ cuối năm 2006.

Trước đó, người dân Tân Triều chỉ phát triển vùng bưởi ở quy mô nhỏ, theo hình thức hộ gia đình với diện tích khoảng 200ha. Tuy nhiên, đến nay nơi đây đã phát triển thành vùng bưởi tập trung gần 900ha thuộc địa bàn 8 xã ven sông Đồng Nai của huyện Vĩnh Cửu.

Vào tháng 5/2011, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 đã trao chứng nhận GlobalGap và VietGap cho người trồng bưởi Tân Triều. Trong đó có 5 hộ canh tác với diện tích 6,7ha đạt chứng nhận GlobalGap và 11 hộ với 3,1ha đạt VietGap.

Theo đánh giá, việc ứng dụng công nghệ hạt nhân vào quá trình sản xuất nông nghiệp là một loại hình mới, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng năng lượng nguyên tử sẽ là chìa khoá để ngành sản xuất nông nghiệp trong nước có thể vươn xa không những trong khâu đột biến gen, tạo giống mới mà còn cải tạo trong khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch để có thể đáp ứng các hàng rào kỹ thuật để đưa sản phẩm nông nghiệp trong nước xuất khẩu ra nước ngoài.

Tiến sỹ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ hạt nhân vào sản xuất nông nghiệp và đã thu được những kết quả khả quan.

Hiện địa phương này cũng đang triển khai xây dựng một trung tâm chiếu xạ đặt trong Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học tại huyện Cẩm Mỹ.

Khi đưa vào sử dụng, Trung tâm chiếu xạ trên sẽ đảm nhiệm vai trò chiếu xạ, nhằm giúp người nông dân bảo quản sau thu hoạch và loại bỏ được những mầm bệnh trên sản phẩm nông nghiệp.

Theo đánh giá của các nhà khoa học trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, thành công bước đầu trong sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao thông qua việc hợp tác giữa Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Đông Nam Bộ thời gian qua đã mang lại kết quả khả quan, đây sẽ là hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp nước ta trong thời gian tới.


Các tin cùng thể loại
+ Chuyển giao công nghệ điện mặt trời
+ Tham dự trại hè quốc tế và tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Đài Loan
+ Chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động giúp phòng chống dịch bệnh
+ Sinh hoạt học thuật cấp Khoa năm 2019
+ Cựu Sinh viên, Giảng viên hướng về trường xưa
+ Hội thảo Nâng cao chất lượng đào tạo lần thứ 7, năm 2018
+ Sinh viên Khoa Điện - Điện tử thăm quan thực tế nhà máy
+ CÔNG NGHỆ CHẾ TẠO LINH KIỆN ĐIỆN TỬ NANÔ
+ Nga sẽ giao công nghệ hạt nhân hiện đại nhất cho Việt Nam
+ Cuba xây dựng nhiều công viên năng lượng mặt trời
+ Thảm cửa thông minh SmartMat
+ Câu lạc bộ Điện - Điện tử tham gia cuộc thi: "Lái xe sinh thái, Tiết kiệm nhiên liệu"
+ Thiết bị cho phép âm thanh chỉ truyền đi theo một chiều
+ Độc đáo công nghệ sạc điện thoại bằng âm thanh và Wi-Fi
+ Hội thảo chuyên đề và kết nối chuyển giao công nghệ: “Công nghệ năng lượng Mặt Trời”
+ Khoa Điện – Điện tử hợp tác với trường Đại học quốc gia Kyungpook, Hàn Quốc
+ GS. Genci Capi thăm và làm việc với Khoa Điện – Điện tử
+ Sinh viên khoa Điện – Điện tử tham gia cuộc thi Minirobocon và Techshow Nha Trang 2016
+ Những hoạt động hợp tác của Khoa Điện – Điện tử, tháng 12 năm 2016
+ Trao tặng 2 hệ thống điện năng lượng mặt trời cho Đồn Biên phòng Đầm Môn, huyện Vạn Ninh
+ Khoa Điện – Điện tử hợp tác với công ty SISTECH đào tạo kỹ thuật tự động hóa cho sinh viên