Tiện ích trên trang web
Minimize
Công báo Hà Nội
Thư ngỏ cùng bạn đọc
Văn bản QPPL TW
TTHC Quốc gia

Quản lý HS 1 của


Định hướng nghiên cứu khoa học
Minimize

ĐỀ ÁN CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TƯ TƯỞNG TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2015


Phần thứ nhất
NHỮNG CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN


I. ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC, CHỦ TRƯƠNG CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, CỦA TỈNH KHÁNH HÒA VÀ CỦA NHÀ TRƯỜNG 
1. Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 
2. Quyết định số 50/2007/QĐ-BGDĐT, ngày 29/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Ban hành Quy định về công tác giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho HSSV trong các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp”.
3. Cuộc vận động: “Dân chủ, kỉ cương, tình thương và trách nhiệm”; cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Cuộc vận động: “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”; Chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; Cuộc vận động sinh viên 5 tốt; Phong trào 5 xung kích; Phong trào 4 đồng hành của Đoàn thanh niên và Hội sinh viên. 
5. Quyết định số 60/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 5 /11/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp”.
6. Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Tỉnh Khánh Hòa về phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyên giáo của nhiệm kỳ 16 (2010 – 2015).
7. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường và kế hoạch công tác chính trị, tư tưởng của Đảng bộ nhiệm kỳ 19 (2010 – 2015).
  
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC  CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG CỦA TRƯỜNG TỪ NĂM 2009 – 2010
1. Những kết quả đã đạt được
1.1. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền cuộc vận động ”Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo", cũng như ”10 điều cấm đối với CBVC” và “7 điều cấm đối với HSSV” Nhà trường. Các cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong CBVC và HSSV cả về nhận thức và hành động như sau:
- Về nhận thức: Mỗi CBVC và HSSV Nhà trường đã nhận thức đúng mục đích, tầm quan trọng, ý nghĩa chính trị - xã hội của các cuộc vận động. Tất cả CBVC và HSSV của trường ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn và trường tồn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần tạo sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và lối sống của mỗi người.
- Về hành động: Mọi CBVC của Trường bảo đảm giờ làm việc theo quy định. Các giảng viên không đi muộn về sớm. Thực hiện tốt quy chế giảng dạy và đào tạo của Nhà trường, không bỏ giờ dạy, bỏ coi thi. Mọi người đã có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác. 
1.2. Tham mưu cho Đảng ủy và Ban Giám hiệu tổ chức học tập, nghiên cứu các chỉ thị nghị quyết của Đảng, các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; cuộc vận động ”Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 
1.3. Năm học 2008-2009 và 2009-2010 đã cải tiến công tác tổ chức, chỉ đạo cũng như công tác báo cáo viên trong tuần sinh hoạt công dân cho HSSV Nhà trường. 
1.4. Duy trì đều đặn công tác phát thanh nội bộ, thông tin và quảng bá hình ảnh của trường với xã hội trên Website của Trường cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh Khánh Hòa, ở các địa phương khác và ở Đài truyền hình Việt Nam. 
1.5. Đến đầu tháng 10/2009, Khoa đã bổ sung và củng cố xong Nhà truyền thống của Trường để phục vụ cho kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường. Nhà truyền thống đã được bổ sung rất nhiều tư liệu quý, trong đó có những tư liệu mà từ trước đến nay chưa có trong Nhà truyền thống như: Danh sách và hiện vật của 12 anh hùng, liệt sĩ của Trường và hàng chục hình ảnh cựu sinh viên của Trường thành đạt…
1.6. Tháng 7/2010, Thư viện trường đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng “Phòng Trưng bày khuyến học” tại tiền sảnh nhà TV1. Trong đó trưng bày những hình ảnh và hiện vật kỷ niệm của Trường như: các hiện vật (logo, quà kỷ niệm, cờ, tranh ảnh…) của khách tặng trường, ảnh chân dung của: 19 giáo sư và phó giáo sư được bổ nhiệm trong thời gian công tác tại trường, 56 tiến sĩ đã bảo vệ thành công luận án trong thời gian công tác tại trường, 16 sinh viên của trường hiện đã thành đạt, 239 sinh viên đại học chính quy từ khóa 18 đến nay tốt nghiệp xuất sắc và giỏi.
- Đây là một hình thức của phòng truyền thống được đặt trong một không gian học tập nghiêm túc của Thư viện với số lượng rất đông học sinh sinh viên học tập hàng ngày ở đó cũng như khách, phụ huynh và sinh viên trường khác đến làm việc và thăm Thư viện nên hiệu quả của tuyên truyền và giáo dục rất tốt. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, mỗi ngày phòng có hàng trăm lượt người đến xem. Đây là hình thức tuyên truyền sinh động, hấp dẫn, hiệu quả và có chiều sâu, góp phần vào công tác giáo dục chinh trị tư tưởng cho cán bộ viên chức và HSSV, động viên khích lệ HSSV học tập, làm theo những tấm gương của các thế hệ đi trước của Trường. 
1.7. Bước đầu đã chấn chỉnh và xây dựng được nền nếp văn hóa công sở, nhất là văn hóa hội họp và giao tiếp trong Nhà trường. Các CBVC của Trường chấp hành tốt giờ làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật trong sinh hoạt tập thể được tăng lên, những vi phạm giảm dần. Các CBVC Nhà trường trong công tác cũng như tiếp sinh viên, đồng nghiệp luôn có thái độ hoà nhã, thể hiện đúng tác phong của một nhà giáo dục. 
1.8. Năm 2009, tổ chức học tập chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, gắn với kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác và thực hiện cuộc vận động: “Mỗi thầy cô giáo phấn đấu trở thành tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Năm 2010 học tập chuyên đề “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh là đạo đức, là văn minh”, được cụ thể hóa trong 10 điều cấm đối với CBVC và 7 điều cấm đối với HSSV trường. 
1.9. Trong hai năm qua 2009 và 2010, nhân các ngày kỷ niệm lớn của Đảng và dân tộc ta, Khoa Lý luận chính trị đã tổ chức 3 Hội thảo Khoa học như sau: 
- Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác, Khoa đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc vận dụng vào giảng dạy các môn khoa học Lý luận chính trị trong nhà trường hiện nay”. 
- Kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng, Khoa tổ chức hội thảo với chủ đề: “Đảng Cộng sản Việt Nam: tám mươi năm xây dựng và phát triển”. 
- Nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Khoa đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và ý nghĩa lịch sử của nó”. Trong ba hội thảo khoa học trên, các GV của Khoa đã viết được 44 bài báo khoa học.
- Trong công tác phát thanh và tuyên truyền, năm 2009 Khoa LLCT đã thực hiện được 163 buổi phát thanh, với 382 bài phát thanh, trong số đó có 79 bài do các CBVC của Khoa viết, số còn lại là sưu tầm. Từ tháng 12/2009 hệ thống phát thanh bị hỏng do bão, đến nay vẫn chưa lắp đặt lại được nên trong năm 2010 Khoa LLCT không tổ chức được một buổi phát thanh nào cả. Từ đầu năm 2010 đến nay đã có nhiều tin, bài của Trường đăng tải trên Báo Khánh hòa cũng như nhiều bài viết của CBVC trường đăng trên Website của Trường thường xuyên hơn.
1.10. Phòng Công tác sinh viên đã tham mưu cho Nhà trường tuyên dương những HSSV có kết quả học tập xuất sắc trong từng học kỳ, từng năm học, từng khóa học, cũng như kỷ luật kịp thời những HSSV vi phạm kỷ luật trong học tập và rèn luyện. 
1.11. Trong hai năm qua, Công đoàn trường đã tổ chức cho CBVC và người lao động trong trường thực hiện tốt các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm” cũng như cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Công đoàn trường đã tổ chức cho CBVC thực hiện 4 chương trình lớn của ngành, cũng chư tổ chức nhiều hoạt động chính trị - xã hội, các cuộc thi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho CBVC Nhà trường như:  Tổ chức Hội thi văn nghệ chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường; tổ chức 03 Hội thi TDTT trong CBVC và người lao động chào mừng 50 năm thành lập Trường, ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày Quốc tế lao động; tổ chức 01 Hội thi trình diễn thời trang công sở nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2010; tổ chức 01 Hội nghị biểu dương con CBVC có thành tích thi đỗ đại học, cao học và NCS năm 2009; tổ chức 01 Hội nghị biểu dương, vinh danh các tân thạc sỹ, tiến sỹ, PGS; tổ chức 01 buổi tọa đàm với chủ đề “Vai trò của nữ CBVC trong xây dựng Trường” nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Đồng thời, theo đề xuất của Công đoàn trường, hàng năm Nhà trường tiếp tục tổ chức chúc thọ bố, mẹ CBVC tròn 70, 75 và từ 80 tuổi trở lên nhân dịp tết nguyên đán, với quà chúc thọ trị giá 200.000đồng/một cụ.
1.12. Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên đã tổ chức, thực hiện các cuộc vận động: “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”. Chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Cuộc vận động sinh viên 5 tốt: học tập tốt, đạo đức tốt, thể lực tốt, kỹ năng tốt, hội nhập tốt. Phong trào 5 xung kích: Xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế xã hội; Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; Xung kích, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; Xung kích cải cách hành chính; Xung kích trong hội nhập kinh tế quốc tế. Phong trào 4 đồng hành: Đồng hành với thanh niên trong học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ; Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm; Đồng hành với thanh niên trong nâng cao sức khỏe thể chất và văn hóa, tinh thần. Đồng hành với thanh niên trong phát triển kỹ năng xã hội. 
2. Những hạn chế tồn tại 
2.1. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa có chiều sâu, thiếu định hướng chiến lược và giải pháp phù hợp với tình hình mới; thiếu chủ động, sắc bén và sáng tạo; tính chiến đấu và sức thuyết phục chưa cao. Hoạt động của công tác này chủ yếu theo các sự kiện và các cuộc vận động chung, nặng về hình thức nên hiệu quả chưa cao. 
2.2. Sự phối hợp về công tác tổ chức của các bộ phận đảm nhiệm chức năng giáo dục chính trị tư tưởng với tất cả các đoàn thể và các đơn vị trong trường chưa tốt nên hiệu quả của công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong trường chưa cao.
2.3. Nhiều CBVC cho rằng công tác giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ riêng của các bộ phận và đơn vị chức năng trong trường, nên chưa có sự tham gia của tất cả CBVC Nhà trường trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, vì vậy, hiệu quả của công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Nhà trường chưa cao. 
2.4. Các bài viết nêu gương người tốt việc tốt trong trường còn rất ít và việc nắm bắt và định hướng cho công tác chính trị, tư tưởng còn yếu. 
2.5. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng CBVC và HSSV vẫn còn tiến hành theo lối mòn cũ, nội dung thông tin tuyên truyền chưa phong phú và đa dạng, chưa có sự đổi mới cho phù hợp với thông tin hiện đại ngày nay. 
2.6. Công tác tuyên truyền về sứ mạng của trường chưa thật sâu rộng. Nhất là việc thông tin, quảng bá những thành tựu về giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ quá ít so với kết quả đã đạt được của trường. 
2.7. Bộ phận chuyên trách tuyên truyền chưa phát huy hết khả năng, sự tham gia của đội ngũ giảng viên của Khoa lý luận chính trị vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CBVC và HSSV chưa đạt được như yêu cầu của Nhà trường. 
2.8. Việc giảng dạy các môn học lý luận chính trị mặc dù đã có sự cải tiến về phương pháp và nội dung đánh giá môn học theo chiều sâu, nhưng bài giảng vẫn còn khô cứng, cách thức truyền thụ hãy còn cổ điển, vẫn còn giảng viên quá lạm dụng máy tính trong giảng dạy khi để cho sinh viên nhìn chép khá nhiều nhưng cũng có cả giảng viên lại chưa hề sử dụng máy tính trong giảng dạy.  
2.9. Ý thức tham gia sinh hoạt tập thể, tham gia học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước của một bộ phận CBVC còn yếu. Vẫn còn không ít người đến trễ trong các buổi sinh hoạt, hội họp tập thể. 
2.10. Chưa có những giải pháp cụ thể để thực hiện cuộc vận động ”Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” của ngành giáo dục. Việc “làm theo” tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thông qua việc thực hiện “10 điều cấm đối với CBVC” và “7 điều cấm đối với HSSV” chưa thực hiện tốt. 
2.11. Khi tổ chức các hoạt động phong trào trong trường, sự tham gia của tất cả CBVC để cổ vũ, động viên lẫn nhau còn kém. Tình trạng chỉ có người tham gia chính thức, mà có rất ít hoặc không có người đến cổ vũ, động viên trong một số hoạt động của Trường trong những năm qua vẫn còn.

Phần thứ hai
NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN,  GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG TRONG NHÀ TRƯỜNG
1. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng góp phần xây dựng ý thức và bản lĩnh chính trị cho CBVC và HSSV cũng như định hướng cho nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của Nhà trường.  
2. Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong trường là góp phần rất quan trọng vào việc giáo dục đạo đức cho mỗi người, qua đó mà tác động trực tiếp đến hiệu quả của công tác giáo dục, đào tạo nghề cho CBVC và HSSV Nhà trường.
3. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho CBVC và HSSV Nhà trường.  
4. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng góp phần định hướng cho việc giáo lối sống lành mạnh, trong sáng cũng như giáo dục truyền thống lịch sử hơn 50 năm vẻ vang của trường cho CBVC và HSSV Nhà trường.

II. MỤC TIÊU CÔNG TÁC TUYÊN, TRUYỀN GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ,  TƯ TƯỞNG TRONG NHÀ TRƯỜNG TỪ NĂM 2010 - 2015
1. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong Nhà trường hướng đến mục tiêu giáo dục cho CBVC và HSSV nhận thức đúng đường lối chính trị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, xây dựng được bản lĩnh chính trị vững vàng…
2. Giúp cho mỗi CBVC và HSSV có ý thức bảo vệ đường lối chính trị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, xác định được nhiệm vụ chính trị của mỗi người đối với Nhà trường, nhờ đó mà mỗi người hoàn thành nhiệm vụ của Nhà trường giao phó.
3. Giúp cho CBVC và HSSV nhận thức được và đấu tranh chống lại những luận điệu xảo trá, những quan điểm chính trị - xã hội sai trái, cũng như sự suy thoái về đạo đức và lối sống trong xã hội.  

III. NỘI DUNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TƯ TƯỞNG TRONG TRƯỜNG TỪ NĂM 2010 - 2015
1. Mở cuộc vận động: “Làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo” trong toàn trường. Để thực hiện tốt cuộc vận động này, mỗi đơn vị và cá nhân trong trường cần phải thực hiện tốt các nhiệm vụ như sau:
1.1. Mỗi thầy cô cần phải không ngừng học tập, nghiên cứu để bổ sung kiến thức cho môn học của mình giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá môn học của mình để lôi cuốn, kích thích HSSV thích học và học tập tốt, nhờ đó mà nâng cao chất lượng đào tạo.
1.2. Chăm lo đời sống của CBVC trong đơn vị, xây dựng các mối quan hệ công tác hài hòa, tốt đẹp, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo trong trường.
1.3. CBVC thường xuyên nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ “Đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” của trường.
1.4. Vận động tổ chức CBVC tích cực tham gia các phong trào thi đua và các cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn, nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của trường.
1.5. Trong từng học kỳ, các đơn vị trong trường cần tăng cường công tác kiểm tra nhiệm vụ, kế hoạch công tác của mỗi CBVC, nhờ đó mà nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của mỗi tập thể và đội ngũ CBVC Nhà trường.
2. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thông qua việc thực hiện “10 điều cấm đối với CBVC Nhà trường” và “7 điều cấm đối với HSSV Nhà trường” bằng những việc làm cụ thể:
2.1. Trong mỗi năm học, các đơn vị tổ chức cho CBVC đăng ký thực hiện những việc làm cụ thể để “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với các phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cuối năm học, các đơn vị tổ chức kiểm điểm, tổng kết việc đăng ký thực hiện của mỗi CBVC trong đơn vị và trong phạm vi của Nhà trường.  
2.1. Tập trung lãnh đạo Đoàn thanh niên và Hội sinh viên trường thực hiện tốt vai trò của mình trong trường. Trong đó, tập trung lãnh đạo đoàn, hội cụ thể hóa và thực hiện tốt các cuộc vận động cũng như các phong trào:
- Cuộc vận động sinh viên 5 tốt: học tập tốt, đạo đức tốt, thể lực tốt, kỹ năng tốt, hội nhập tốt. 
- Phong trào 5 xung kích: Xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế xã hội; Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; Xung kích, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; Xung kích cải cách hành chính; Xung kích trong hội nhập kinh tế quốc tế. 
- Phong trào 4 đồng hành: Đồng hành với thanh niên trong học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ; Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm; Đồng hành với thanh niên trong nâng cao sức khỏe thể chất và văn hóa, tinh thần. Đồng hành với thanh niên trong phát triển kỹ năng xã hội. 
- Cuộc vận động hai không: “nói không với tiêu cực trong học tập và bệnh thành tích trong thi cử”. Đồng thời, thường xuyên tổ chức ký cam kết với các đoàn khoa, chi đoàn và từng đoàn viên việc tổ chức mùa thi nghiêm túc đạt kết quả cao cũng như ký cam kết thực hiện 7 điều HSSV không được làm. 
3. Thực hiện cuộc vận động: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với các nội dung cụ thể sau đây: 
3.1. Mỗi CBVC không ngừng rèn luyện đạo đức, tư cách của một người thầy, luôn có cuộc sống trong sáng, không vụ lợi, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Nhà trường, thương yêu, quý trọng HSSV như con em của mình.
3.2. CBVC thường xuyên tự học tập, bồi dưỡng để đạt được trình độ học vấn cao nhất, nhờ đó mà thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của mình.
3.3. Các CBVC không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong công tác, trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục và đào tạo.
4. Thực hiện cuộc vận động: “Dân chủ, kỉ cương, tình thương và trách nhiệm” với những nội dung cụ thể:
4.1. Mỗi đơn vị và CBVC luôn thực hiện tốt “Quy chế dân chủ của trường học”, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người trong việc xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ công tác của đơn vị, nhờ đó mà thống nhất trong việc làm nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
4.2. Thực hiện tốt mọi nội quy, quy chế và kỷ luật của Nhà trường về giáo dục và đào tạo được cụ thể hóa trong “10 điều cấm đối với CBVC” và “7 điều cấm đối với HSSV” trường. 
4.3. Mỗi CBVC luôn xây dựng tình thân ái với đồng nghiệp, với HSSV Nhà trường để mọi người hiểu biết, quý trọng và thông cảm lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong công tác. 
4.4. Các CBVC luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi công việc được giao, có tinh thần trách nhiệm với đồng nghiệp và với HSSV, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Nhà trường, 
5. Đổi mới công tác tuyên truyền “Người tốt việc tốt” trên các phương tiện thông tin của trường.
5.1. Để thực hiện tốt công tác này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ và thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng trong Trường của tất cả các bộ phận như: Ban Tuyên huấn Đảng ủy, Khoa Lý luận chính trị, Công đoàn trường, Đoàn thanh niên. Hội sinh viên, Hội cựu chiến binh của Trường cũng như của tất cả các đơn vị trong trường. Đây là trách nhiệm chung của tất cả mọi CBVC trong Trường. Nhưng xâu đầu mối là Khoa Lý luận chính trị. Tất cả mọi người và mọi bộ phận trong trường đều phải có sự thống nhất trong công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, nếu có bộ phận nào hay có người nào đó nói ngược lại sẽ gây hậu quả không nhỏ cho công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng. 
5.2. Trong các cuộc họp hàng tháng của các đơn vị và các chi bộ đảng trong trường nên có nội dung kiểm điểm về công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng trong đơn vị mình. Trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền giáo dục mọi CBVC và HSSV thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 
5.3. Đổi mới công tác tuyên truyền “Người tốt việc tốt” trên các phương tiện thông tin của trường. Công tác này được thực hiện trên hai đối tượng trong trường. Đối tượng thứ nhất là “Người tốt việc tốt” trong HSSV thì các Khoa, Viện, Phòng đào tạo ĐH & SĐH, Phòng CTSV, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên phải cung cấp những tấm gương “Người tốt việc tốt” cụ thể hàng tháng thì Khoa LLCT mới thực hiện việc tuyên truyền được. Đối tượng thứ hai là CBVC thì Đảng ủy và các đơn vị trong trường cũng phải cung cấp cho Khoa LLCT thì Khoa mới thực hiện được công tác tuyên tuyền. 
5.4. Hàng tháng, Khoa LLCT sẽ liên hệ với các đơn vị để lấy tin về gương “Người tốt việc tốt” để tuyên truyền trên 5 phương tiện thông tin của Trường: 1) Bảng tin song song với GĐ.G8; 2) trang Web của Trường; 3) Đài tuyền thanh của Trường; 4) Bản tin cạnh Văn phòng Công đoàn Trường; 5) Gian truyền thống của Thư viện Trường…
6. Tiếp tục chấn chỉnh và xây dựng nền nếp văn hóa công sở, nhất là văn hóa hội họp và giao tiếp với 5 nội dung như sau: 
6.1. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi CBVC và HSSV trong trường.
6.2. Luôn đi hội họp và sinh hoạt tập thể đúng giờ quy định.
6.3. Không nói chuyện và làm việc riêng trong hội họp.
6.4. Luôn hòa nhã và tận tình với mọi người khi giải quyết các công việc.
- Nếu CBVC vi phạm một trong 4 nội dung đó từ hai lần trở lên thì trường sẽ hạ một mức danh hiệu thi đua cuối năm học. 
7. Hàng năm, đổi mới và thực hiện có hiệu quả tuần giáo dục công dân cho HSSV Nhà trường.  
8. Cải tiến công tác học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cuộc thi Olympic, thi tìm hiểu lý luận chính trị - xã hội sao cho thật nhẹ nhàng nhưng lại sâu sắc, có tính giáo dục cao và có hiệu quả nhất, tránh chạy theo hình thức và nghèo về nội dung. 
9. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc và tiếp tục tuyên truyền về lịch sử hơn 50 năm qua của Nhà trường trong các buổi phát thanh hàng tuần của Trường. 
10. Thực hiện tốt hơn các hình thức tuyên tuyền bằng các phương tiện thông tin: phát thanh nội bộ, trên Website của Trường, truyền hình, đài, Báo Khánh Hoà, đưa tin người tốt việc tốt và quảng bá hình ảnh, những thành tựu và các hoạt động của Nhà trường ra bên ngoài xã hội.
11. Phối hợp với Phòng CTSV, Đoàn, Hội sinh viên và Công đoàn trường tổ chức các hoạt động chính trị - xã hội cũng như công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức và nếp sống văn hóa cho CBVC và HSSV trường. Thực hiện tốt nhất vai trò dẫn dắt về tư tưởng của Khoa trong Nhà trường. 
12. Thường xuyên kiện toàn đội ngũ báo cáo viên của Nhà trường theo tinh thần của Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng” về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, duy trì báo cáo thời sự hàng quý trong trường.
13. Tổ chức tốt việc tuyên truyền trong Nhà trường Chỉ thị 05/2008/CT-TTg ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ “về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước”.
14. Trong từng năm học, Khoa Lý luận chính trị phối hợp với các đơn vị trong trường xây dựng kế hoạch quảng bá những thành tựu về giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường trên trang Web của Trường, trên các phương tiện phát thanh, truyền hình trung ương và Khánh Hòa.
15. Tiếp tục thực hiện “Đề án củng cố, bổ sung hoàn thiện Nhà truyền thống của trường đến năm 2014” và củng cố hệ thống bảng tuyên truyền trong khuôn viên trường. 
16. Cùng với Phòng QTTB nhanh chóng củng cố lại hệ thống Đài truyền thanh của Trường để tiếp tục công tác tuyên truyền trong Trường như trước đây.

IV. GIẢI PHÁP, BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Trong từng năm học, các đơn vị tổ chức cho CBVC đăng ký thực hiện những nội dung cụ thể: của việc “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua việc thực hiện “Mười không” và “Bảy không”; những nội dung cụ thể của cuộc vận động “Dân chủ, kỉ cương, tình thương, trách nhiệm” cũng như nhưng nội dung cụ thể về “đạo đức, tự học và sáng tạo” của mỗi thầy cô giáo. Cuối năm học, các đơn vị và Nhà trường tổ chức tổng kết và xây dựng kế hoạch thực hiện cho năm sau.  
2. Thường xuyên tuyên truyền giáo dục người thầy có lòng yêu nghề và gắn bó lâu dài với nghề - “Nghề cao quý nhất trong tất cả những nghề cao quý”. 
3. Để nâng cao được chất lượng giảng dạy, hàng năm các bộ môn, khoa và viện tổ chức thi giảng dạy Giáo trình điện tử, còn Trường thì hai năm tổ chức thi một lần. 
4. Để thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong Nhà trường cần phải nâng cao trách nhiệm của tất cả các đơn vị và CBVC trong trường,. Việc nâng cao chất lượng đào tạo lại phụ thuộc vào các giải pháp để thực hiện đồng bộ 6 yếu tố: 1) Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của người thầy; 2) Sự chăm chỉ và sáng tạo trong học tập và rèn luyện của HSSV; 3) Phương pháp và nội dung đánh giá môn học; 4) Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu, thí nghiệm, thực hành, v.v... 5) Sự quản lý của Nhà trường; 6) Tổ chức các hoạt động chính trị - xã hội trong trường. 
5. Đối với HSSV cần phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cũng như tổ chức nhiều và đa dạng các hoạt động chính trị - xã hội cho HSSV trong trường. Qua đó giúp cho HSSV nhận thức được trách nhiệm chính trị của mình đối với đất nước để tích cực học tập và rèn luyện nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Để thực hiện tốt vấn đề này, Ban Chấp hành đoàn trường và Hội sinh viên trường phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sự nhiệt tình và hăng hái với nhiệm vụ chính trị của mình thì mới đề ra được nhiều phong trào, nhiều hoạt động sôi nổi cho HSSV.  
6. Mỗi CBVC, mỗi tổ chuyên môn cho đến các khoa, viện, phòng, trung tâm và Nhà trường tìm kiếm cách thức nâng cao thu nhập, nhờ đó mà nâng cao mức sống của đội ngũ CBVC của mình thì họ mới yên tâm với nghề và nhờ đó mới giảng dạy và phục vụ giảng dạy tốt. 
7. Tăng cường tổ chức các cuộc thi lý luận chính trị - xã hội cũng như các hình thức giáo dục ngoại khóa cho HSSV theo các chuyên đề về đạo đức, pháp luật, mỹ học, văn hóa, nghệ thuật, môi trường, dân số, phòng chống các tệ nạn xã hội cũng như ma túy xâm nhập vào nhà trường. Đồng thời, để gắn kết giữa đào tạo chuyên môn với công tác chính trị tư tưởng, nghiên cứu đưa HSSV đi tuyên truyền, giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa phòng chống các bệnh do môi trường bẩn gây ra,v.v...  
8. Duy trì đều đặn báo cáo thời sự hàng quý, thực hiện tốt Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ”về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”. 
9. Từng học kỳ có kế hoạch mời các báo cáo viên có trình độ nói chuyện về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, v.v… cho CBVC và HSSV Nhà trường, nhất là các doanh nghiệp nổi tiếng và thành đạt trong sản xuất và kinh doanh…
10. Xây dựng kế hoạch nắm bắt tình hình tư tưởng của CBVC và HSSV, đề xuất kịp thời cho Đảng ủy và Ban Giám hiệu Nhà trường các chủ trương, biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng trong trường. Sau mỗi đợt học chính trị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm cho những đợt học tập sau được tốt hơn. 
11. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với các hoạt động chính trị - xã hội khác như: công tác xã hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cũng như lịch sử của Nhà trường.  
12. Phối hợp đồng bộ các phòng chức năng, Công đoàn, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên trường trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho CBVC và HSSV. Đồng thời, có giải pháp để huy động tất cả CBVC tham gia vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong trường. 

V. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Hàng năm, tập trung thực hiện tốt và có chiều sâu công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho CBVC và HSSV. Trong đó, tập trung thực hiện việc đổi mới Tuần giáo dục công dân; Công tác học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền lịch sử hơn 50 năm qua của Trường.
2. Tuyên truyền việc thực hiện cuộc vận động “Học tập tốt theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thông qua việc thực hiện “Mười không” đối với CBVC và “Bảy không” đối với HSSV trường cũng như hai cuộc vận động “Dân chủ, kỉ cương, tình thương, trách nhiệm” và  “ Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. 
3. Tuyên truyền kịp thời những tấm gương “người tốt việc tốt” trong CBVC và HSSV đã thực hiện tốt các cuộc vận động trong Nhà trường. 
4. Cải tiến nâng cao chất lượng công tác phát thanh nội bộ, đưa tin người tốt việc tốt và các hoạt động của Nhà trường trên Website của Trường cũng như trên các đài truyền hình, đài phát thanh, các báo của trung ương và địa phương.  
4. Trong các buổi phát thanh thường kỳ hàng tuần, tập trung tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, công tác Công đoàn, công tác Đoàn thanh niên và Hội sinh viên Trường, v.v... Các đơn vị trên có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ nội dung cho Khoa Lý luận chính trị tổ chức phát thanh. Đồng thời, Khoa Lý luận chính trị có kế hoạch cụ thể về thời gian cho các buổi phát thanh của các tổ chức trên trong từng tháng.

VI. CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Để thuận tiện cho công tác tuyên truyền trên đài tuyền hình, v.v... Trường cho mua máy quay phim mới bằng đĩa và kỹ thuật số cũng như máy chụp ảnh mới. 
2. Nhà trường tính 01 tiết giảng cho một bài viết của CBVC trường được dùng tuyên truyền trên Website của Trường cũng như trong các buổi phát thanh hàng tuần (bài viết 3 trang đánh máy trở lên, mỗi trang ít nhất là 500 từ); tính 0,5 tiết cho một bản tin từ 300 từ đến 700 từ; tiền nước uống 10.000 đồng cho một sinh viên trong một buổi đọc phát thanh (mỗi buổi đọc phát thanh có hai sinh viên).  
3. Về tài chính:
- Củng cố, bổ sung tư liệu cho Nhà Truyền thống      =  200.000.000 đồng
- Tổ chức các cuộc thi Lý luận chính trị xã hội            =  100.000.000 đồng 
- Mua máy quay phim và máy ảnh kỹ thuật số mới    =    50.000.000 đồng
- Củng cố, bổ sung Panô, áp phích                             =    20.000.000 đồng
- Công tác phát thanh…                                               =     15.000.000 đồng
                                                                  Tổng cộng  =  385.000.000 đồng

VII. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Đề án công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng từ năm 2010 – 2015 được thực hiện trong phạm vi toàn trường. Tất cả các đơn vị cũng như mọi CBVC và HSSV có nhiệm vụ thực hiện tốt nhất nội dung được xây dựng trong đề án. Căn cứ vào nhiệm vụ của các đơn vị trong Trường, Nhà trường phân công thực hiện nội dung của đề án như sau:
1. Ban Tuyên huấn Đảng ủy
1.1. Có nhiệm vụ trực tiếp tổ chức cho đảng viên và CBVC Nhà trường học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như kiểm tra, chỉ đạo về nội dung các hoạt động chính trị - xã hội trong Trường.
1.2. Trực tiếp lãnh đạo công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng trong trường, tổ chức, lãnh đạo các bộ phận làm công tác chính trị tư tưởng thực hiện nhiệm vụ theo đúng đường lối, quan điểm chính trị của Đảng và pháp luật của Nhà nước.  
 1.3. Chỉ đạo Tổ báo cáo viên của Đảng ủy và hàng năm mở lớp bồi dưỡng báo cáo viên, lập kế hoạch đầu tư, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên chuyên trách để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng. 
2. Khoa Lý luận chính trị
2.1. Hàng năm có nhiệm vụ cùng với các đơn vị trong trường tổ chức “Tuần giáo dục công dân” cho HSSV trường. Xây dựng nội dung cho các hoạt động cũng như các cuộc thi Lý luận chính trị - xã hội trong Trường và thực hiện tốt nhiệm vụ báo cáo viên của Đảng ủy.
2.2. Trực tiếp theo dõi việc thực hiện nội dung của đề án cũng như kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong Trường thực hiện đề án. Hàng tháng, báo cáo kết quả công việc và đề xuất cho Đảng ủy và Ban Giám hiệu Nhà trường những vấn đề mới nẩy sinh hay khó khăn cần phải giải quyết trong quá trình thực hiện đề án.
2.3. Tìm biện pháp thúc đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học lý luận chính trị theo chiều sâu của Khoa và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của từng năm học. Phấn đấu mỗi thầy cô giáo giảng dạy các môn khoa học chính trị là một tấm gương sáng về lối sống, tác phong, trách nhiệm chính trị trong giảng dạy và công tác. 
2.4. Mỗi CBVC Khoa Lý luận chính trị phải là những người đi tiên phong trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thông qua việc thực hiện “Mười không” đối với CBVC, cũng như hai cuộc vận động “Dân chủ, kỉ cương, tình thương, trách nhiệm” và  “ Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với những cam kết cụ thể phù hợp với nhiệm vụ chính trị của mình. 
3. Phòng Công tác sinh viên
3.1. Có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tổ chức “Tuần giáo dục công dân” cũng như các hoạt động chính trị - xã hội của HSSV Nhà trường.
3.2. Xây dựng “Bảng vàng danh dự” để tuyên dương những tấm gương người tốt, việc tốt, những HSSV có kết quả học tập xuất sắc trong từng học kỳ, từng năm học và khóa học. 
4. Các Khoa và Viện chuyên ngành
4.1. Có nhiệm vụ tổ chức, quản lý HSSV của đơn vị mình thực hiện tốt “Tuần giáo dục công dân” trong từng năm học. 
4.2. Tổ chức, động viên CBVC và HSSV của Khoa và Viện mình tham gia tích cực các hoạt động chính trị - xã hội trong Trường.
4.3. Hàng tháng biểu dương kịp thời những tấm gương điển hình trong học tập và rèn luyện của HSSV, đồng thời chỉ ra những việc làm sai trái của HSSV để có biện pháp uốn nắn kịp thời. Mỗi học kỳ tổ chức một lần đối thoại trực tiếp giữa HSSV với các cấp lãnh đạo Nhà trường. 
5. Thư viện trường
Phối hợp với Khoa Lý luận chính trị, Phòng Công tác sinh viên, các Khoa và Viện chuyên ngành cũng như với các đơn vị khác trong trường để hàng năm củng cố, bổ sung tư liệu cho “Phòng Trưng bày khuyến học” tại tiền sảnh nhà TV1 thành một địa chỉ cho công tác tuyên truyền và giáo dục truyền thống của trường ngày càng hiệu quả hơn.
6. Các phòng chức năng khác 
Phối hợp với Khoa Lý luận chính trị, Phòng Công tác sinh viên, các Khoa và Viện chuyên ngành, với Công đoàn trường, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên Trường tổ chức, tạo những điều kiện vất chất – kỹ thuật, cũng như huy động CBVC của đơn vị mình tham gia và phục vụ tốt các hoạt động chính trị - xã hội trong Nhà trường. 
7. Công đoàn, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên Trường  
6.1. Công đoàn trường có nhiệm vụ phối hợp với Ban Tuyên huấn Đảng ủy, Khoa Lý luận chính trị trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho công đoàn viên và người lao động trong trường, cũng như trong việc tổ chức các hoạt động chính trị - xã hội và các cuộc thi Lý luận chính trị - xã hội cho CBVC Nhà trường. 
6.2. Đoàn thanh niên và Hội sinh viên Trường có nhiệm vụ phối hợp với Khoa Lý luận chính trị, Phòng CTSV, các khoa chuyên ngành thực hiện tốt các hoạt động chính trị - xã hội, các cuộc thi Lý luận chính trị - xã hội cho đoàn viên và HSSV Nhà trường trong từng năm học. 
8. Hội cựu chiến binh trường
- Hàng năm, Hội Cựu chiến binh trường phối hợp với Ban Tuyên huấn đảng ủy, Khoa Lý luận chính trị trong việc tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, dân tộc và của quân đội nhân dân Việt Nam cho CBVC và HSSV Nhà trường,

  * Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức trong Nhà trường là một nhiệm vụ rất quan trọng của tất cả CBVC trong Trường. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường yêu cầu tất cả mọi CBVC, các đoàn thể và đơn vị trong Trường có nhiệm vụ cùng với Nhà trường thực hiện tốt nhất công tác này.