Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - truyền thống văn hóa dân tộc 

Khoa Khoa học Chính trị 4/5/2017 3:55:47 PM
Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước (Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

“Dù ai đi ngược về xuôi; Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”, từ bao đời nay, câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ sang thế hệ khác, in sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Và dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, cứ đến ngày Giỗ Tổ, là hàng triệu người mang dòng máu Việt cùng nhau hành hương hoặc hướng về đất Tổ, thắp nén tâm hương, nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với lòng thành kính. Nhớ đến ngày Giỗ Tổ không phải để nhớ tới những chuyện xa xưa thời tiền sử mà chính là để tỏ lòng kiêu hãnh rằng dân tộc ta là một dân tộc có nguồn cội, có lịch sử văn hóa từ lâu đời. Mỗi khi Giỗ Tổ Hùng Vương, người Việt Nam đều hướng về Đền Hùng - nơi thờ Đức Quốc Tổ. Đền Hùng trở thành một vị trí lịch sử quan trọng được tôn kính thiêng liêng nhất.

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là một ngày lễ trọng đại của đất nước, là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam, là dịp để Nhân dân ta tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc, các bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc từ ngàn đời. Trải qua biết bao thế hệ nối tiếp nhau, hoạt động tổ chức Ngày Quốc giỗ góp phần giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Lễ Giỗ Tổ là sự ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên và cội nguồn dân tộc. Là động lực tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cùng vượt qua những gian lao, khắc nghiệt của chiến tranh, thiên tai, khó khăn...; Củng cố niềm tin cho cộng đồng để cùng nhau hướng tới tương lai, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, to đẹp hơn. Đây là biểu hiện của một truyền thống đạo đức tốt đẹp mà mỗi người Việt Nam chúng ta luôn tự cảm thấy mình có bổn phận phải thực hiện.

Theo những tài liệu hiện nay còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán - An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có trời đất lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; Nếu nhạt hẹn,sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.

Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi mới lên ngôi, đã từng xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước. Niên hiệu Thiên Phúc nguyên niên tức năm 986 dưới triều Lê Đại Hành, có bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền, còn gọi là Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền. Đây là lần đầu trong lịch sử xuất hiện tài liệu ghi chép một cách tường tận, chi tiết về 18 đời Vua Hùng, sau được sao lại vào năm Khải Định thứ 4 (1919). Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”

Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước, các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái làm giỗ. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu. Đến đời vua Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận : “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ 2 (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày 10 tháng 3 làm ngày Quốc lễ, trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng 3) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chính phủ lâm thời đã cử cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước lên dự Giỗ Tổ năm đầu tiên (1946). Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn rất quan tâm đến giáo dục các thế hệ con cháu hướng về cội nguồn dân tộc. Ngày 18/9/1954, Bác từ Thái Nguyên sang Đền Hùng nghỉ lại một đêm, sáng ngày Bác gặp các chiến sĩ Sư đoàn 308 trước khi về tiếp quản Thủ đô, Bác đã căn dặn bộ đội: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Về sau, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hàng trăm đoàn quốc tế và Việt kiều đã lên thăm Đền Hùng.

Do tính chất quan trọng của khu di tích, năm 1963 Bộ Văn hóa đã xếp hạng di tích quốc gia; Năm 1967 Chính phủ quyết định xếp hạng khu rừng Đền Hùng là rừng cấm quốc gia. Từ năm 1969, Nhân dân quyên góp xây dựng công quán, Nhà nước đầu tư xây dựng Bảo tàng Hùng Vương, đường điện, đường giao thông, hệ thống nước, sửa chữa đền miếu, trồng rừng cây sinh cảnh, tổ chức bảo vệ khu di tích và rừng cấm, tổ chức 4 cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia. Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành tâm thức, lẽ sống của người Việt Nam chúng ta. Hàng năm, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng quy mô hơn, dài ngày hơn và với nội dung phong phú hơn.

Ngày 06/01/2001, Chính phủ ra Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định nhà nước về các ngày lễ lớn, trong đó ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch là ngày Quốc lễ.

Năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ được tổ chức trong 06 ngày từ 01 - 06/4/2017 (tức từ ngày 05 đến 10/3 Âm lịch), với sự tham gia góp giỗ của 4 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Bính, Bình Phước và Bến Tre. Trung tâm tổ chức các hoạt động là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Các hoạt động đều có quy mô lớn hơn, nội dung phong phú, đa dạng và có nhiều nét mới. Quan điểm của Ban Tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là tổ chức phần lễ trang nghiêm, trọng thể, thành kính và mang tính cộng đồng; Phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, văn minh, an toàn và tiết kiệm; Tạo sự hài lòng cho nhân dân và du khách thập phương về dự hội; Quyết tâm phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu “5 không” tại lễ hội, đó là: Không có người ăn xin, ăn mày; Không ùn tắc giao thông; Không chèo kéo khách và xảy ra tình trạng giá cả dịch vụ mang tính “chặt chém”; Không có những hành vi phản cảm trong lễ hội; Không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội, nhằm xây dựng Lễ hội Đền Hùng năm 2017 trở thành một trong các lễ hội mẫu mực của cả nước, đậm đà bản sắc dân tộc, thân thiện với nhân dân và du khách thập phương khi hành hương về với cội nguồn.

Đối với Khánh Hòa, hàng năm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng Vương - 173 đường Ngô Gia Tự, Nha Trang, đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của người dân trên địa bàn tỉnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách đến tham dự. Là dịp để Nhân dân Khánh Hòa bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các vị Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, thể hiện đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”. Năm nay, tỉnh ta tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào sáng ngày 06/4/2017 (mùng 10 tháng 3 âm lịch): từ 07 - 09 giờ: Lễ dâng hương; Từ 09 - 11 giờ: Lễ Tế cổ truyền.

Bác Hồ tại Đền Hùng (ảnh tư liệu)

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam hướng về Ngày Giỗ Tổ tỏ lòng kính hiếu tôn trọng tổ tiên, nhưng cũng là để nhân thêm tình yêu thương con người, xứ sở, niềm tin vào cộng đồng của dân tộc Việt Nam; Là biểu hiện cao đẹp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Là tín ngưỡng cả nước thờ chung Đức Quốc Tổ, trên thế giới này chỉ có ở Việt Nam, điều đó đã trở thành truyền thống, lẽ tự nhiên của dân tộc Việt Nam.

Càng tự hào về lịch sử dân tộc, chúng ta càng phải đồng tâm hiệp lực, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dạy của Người đã thấm sâu trong trái tim, khối óc của triệu triệu người Việt Nam. Thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng ta đã không ngừng phát huy truyền thống của tổ tiên, kế thừa những giá trị tinh thần tốt đẹp của thời đại Vua Hùng và các thời đại oanh liệt trong lịch sử, đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng trường kỳ và oanh liệt trong lịch sử, đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, góp phần làm rạng rỡ thêm lịch sử và truyền thống Việt Nam anh hùng.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc tổ chức tốt các lễ hội, nhất là lễ hội dân gian, truyền thống như Giỗ Tổ Hùng Vương là góp phần quan trọng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm cho sự phát triển của đất nước toàn diện và bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa


Các tin cùng thể loại
+ HOÀN CẢNH RA ĐỜI VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ
+ Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập QĐNDVN (22/12/1944 – 22/12/2019) và 30 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2019)
+ ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI (II)
+ KẾT LUẬN CỦA BAN BÍ THƯ Về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng
+ NHỮNG MỐC SON CHÓI LỌI TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG 90 NĂM VINH QUANG CỦA ĐẢNG
+ Sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 10 năm 2019
+ V.I LÊNIN - LÃNH TỤ VĨ ĐẠI CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VÀ NHÂN DÂN LAO ĐỘNG
+ Cơ chế phối hợp hoạt động giữa Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong Khoa
+ Nghị quyết công tác tháng 11.2013
+ Báo cáo về kết quả triển khai thực hiện nghị quyết của cấp trên quý IV - 2013
+ Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2012 - 2015
+ Chương trình hành động Phòng, chống tội phạm trong tình hình mới năm 2013
+ Kế hoạch học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014
+ Ý nghĩa lịch sử vĩ đại của đại thắng mùa xuân năm 1975
+ Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng Thi đua khen thưởng Khoa nhiệm kỳ 2011 - 2016
+ Báo cáo về kết quả triển khai thực hiện nghị quyết của cấp trên quý III/2013
+ Nghị quyết công tác tháng 9/2013 gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
+ Chương trình hành động phòng, chống tội phạm trong tình hình mới năm 2014
+ Khai mạc lớp đối tượng kết nạp Đảng và đảng viên mới năm 2014
+ Hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI
+ Hội nghị triển khai Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020
+ Hội thảo khoa học 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
+ Kế hoạch học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015
+ Đại hội Chi bộ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn nhiệm kỳ 2017 - 2020
+ Chặng đường 85 năm Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi vĩ đại
+ Kỷ niệm 131 năm Ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 - 01/5/2017)
+ Thông báo tham gia cuộc thi tìm hiểu truyền thống “55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển”
+ Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa thời kỳ đầu lành lập
+ Đảng bộ trường Đại học Nha Trang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
+ PGS.TS Nguyễn Thị Kim Anh - một tấm gương tiêu biểu trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học
+ Vai trò của đảng viên sinh viên trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn
+ Vai trò của đảng viên sinh viên trong việc phát triển Đảng trong sinh viên
+ Người ra đi tìm đường giải phóng dân tộc
+ Chiến thắng biên giới phía Bắc bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc
+ Tỉnh Khánh Hòa phát huy truyền thống vẻ vang trong chiến đấu vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc
+ ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI (III)
+ ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI (I)
+ Tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới